Chọn tư vấn quốc tế dự án cao tốc Bắc-Nam

Họp về rà soát tiến độ các dự án trọng điểm của ngành GTVT ngày 27-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá công tác phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi một số dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 còn chậm.

Chậm do khách quan

Nguyên nhân chậm được xác định là do khách quan. Trong đó có những vấn đề phát sinh, không lường được trước nhưng đến nay cơ bản vẫn đảm bảo tiến độ phê duyệt 10 dự án trong tháng 7-2018, còn lại một dự án (cầu Mỹ Thuận 2) sẽ phê duyệt trong tháng 9-2018.

 “Chúng ta phải bám sát mốc thời gian trên để phấn đấu và nắm bắt các công việc, tập trung chỉ đạo điều hành” - Bộ trưởng Thể nói và nhấn mạnh chỉ chấp nhận dự án bị chậm do gặp những vấn đề khách quan, còn không cho phép nguyên nhân do chủ quan.

Về cách làm để đảm bảo tiến độ đề ra, Bộ trưởng GTVT yêu cầu các ban quản lý dự án phối hợp chặt với Vụ Môi trường khẩn trương phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho từng dự án, khung chính sách của dự án nào chưa trình phải làm nhanh, không được chậm trễ. “Còn để chậm dự án nào, lãnh đạo ban đó phải chịu trách nhiệm” - Bộ trưởng Thể khẳng định.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra dự án cao tốc Bắc-Nam. Ảnh: N.LONG

Trong nước không đủ kinh nghiệm

Bộ GTVT cũng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn tư vấn giao dịch để triển khai các dự án đường bộ cao tốc tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Trong đó, Bộ GTVT đưa ra một số kiến nghị để thu hút nhà đầu tư quốc tế.

Theo Bộ GTVT, để đảm bảo triển khai đồng bộ, kịp thời cả tám dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đầu tư theo hình thức đối tác công-tư đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận lựa chọn tư vấn giao dịch quốc tế để hỗ trợ triển khai bốn dự án cao tốc còn lại (trong tám dự án đầu tư theo hình thức đối tác công- tư) là Phan Thiết - Dầu Giây; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Theo Bộ GTVT, thời gian vừa qua Bộ GTVT triển khai nhiều dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư. Tuy nhiên, chủ yếu các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng trong nước tham gia, không thu hút được các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng quốc tế do chưa đảm bảo sự hấp dẫn trong hồ sơ cũng như việc kêu gọi đầu tư.

“Tại Việt Nam không có những tổ chức tư vấn giao dịch trong nước nào có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ. Thực tế vừa qua, Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật có tính chất tương tự đều phải lựa chọn tư vấn quốc tế…”.

(Trích báo cáo Bộ GTVT trình 
Thủ tướng Chính phủ)
 

Để kêu gọi được các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng quốc tế tham gia tài trợ thực hiện các dự án PPP, Bộ GTVT nhận thấy việc chuẩn bị dự án phù hợp với thông lệ quốc tế là rất quan trọng. Việc này đóng vai trò quyết định, tạo sự tin cậy đối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài, đồng thời vẫn đảm bảo sự chặt chẽ về mặt pháp lý.

“Do đó, việc sử dụng tư vấn giao dịch quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật triển khai các dự án cao tốc Bắc-Nam đầu tư theo hình thức PPP là phù hợp và rất cần thiết” - Bộ GTVT nhấn mạnh.

Vướng mắc hiện nay, theo Bộ GTVT, nghị quyết Chính phủ cho phép sử dụng vốn nhà nước chi cho tư vấn giao dịch. Tuy nhiên, khi lập dự toán kinh phí cho nguồn vốn nhà nước thì mức lương chuyên gia được căn cứ theo quy định thì giá gói thầu và chi phí tư vấn giao dịch rất thấp, chỉ bằng 30%-40% chi phí so với các gói thầu sử dụng vốn hỗ trợ ODA.

Các bộ có ý kiến

Liên quan đến kiến nghị của Bộ GTVT về lựa chọn tư vấn giao dịch quốc tế, đại diện Bộ Tài chính cho rằng quy định của pháp luật hiện hành chưa có quy định về tư vấn giao dịch. Do đó, đề nghị Bộ GTVT báo cáo rõ khái niệm về tư vấn giao dịch, tránh trùng lặp hoạt động của tư vấn giao dịch với các hoạt động tư vấn khác theo quy định hiện hành của pháp luật. “Trên cơ sở các nội dung hoạt động cụ thể của tư vấn giao dịch, Bộ GTVT rà soát, đánh giá và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết phải lựa chọn tư vấn giao dịch quốc tế đối với từng hoạt động tư vấn giao dịch…” - đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong văn bản góp ý mới đây, Bộ Tài chính cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ LĐ-TB&XH về mức lương chuyên gia quốc tế đối với gói thầu tư vấn giao dịch. Việc lựa chọn tư vấn giao dịch đề nghị phải thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Đối với việc áp dụng mức lương chuyên gia quốc tế thay cho chuyên gia trong nước đối với gói thầu tư vấn giao dịch, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ GTVT thuyết minh rõ sự cần thiết phải thuê chuyên gia tư vấn giao dịch quốc tế thay cho chuyên gia tư vấn trong nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm