Chính phủ: Đầu tư cao tốc Bắc-Nam là cấp bách!

Theo kế hoạch, Chính phủ sắp trình Quốc hội “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020” để Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư.

E ngại khó kiếm nhà đầu tư

Theo đó, dự án sẽ có điểm đầu thuộc tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối là Cà Mau với chiều dài 2.109 km. Đến nay một số đoạn đã đưa vào khai thác hoặc đang thực hiện đầu tư. Hiện toàn tuyến còn lại các đoạn sau cần đầu tư: 1.372 km đoạn Hà Nội - TP.HCM, 150 km đoạn Cần Thơ-TP Cà Mau và 7 km cầu Mỹ Thuận 2.

Theo tờ trình, Chính phủ nêu ra tính cấp bách của tuyến cao tốc Bắc-Nam. Trong đó giai đoạn 2017-2020 là không thể trì hoãn. Nguyên nhân, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, tỉ lệ các công trình hiện đại (như hệ thống đường cao tốc) còn thấp so với các nước trong khu vực và được xác định là điểm nghẽn của quá trình phát triển.

Tờ trình của Chính phủ cho rằng để triển khai thành công các dự án PPP (đối tác công tư), không thể được quyết định bởi phía cơ quan nhà nước mà phụ thuộc rất nhiều vào thị trường như mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, lợi nhuận... Trong thực tế, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và đường vành đai 3 TP.HCM, đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch nhưng không thành công.

Trong điều kiện chỉ số tín nhiệm của Việt Nam chưa cao, hành lang pháp lý và điều kiện hiện nay chưa cho phép Chính phủ cung cấp các bảo lãnh như yêu cầu của các nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài. Vì vậy, trường hợp các cơ chế, chính sách đề xuất được chấp thuận vẫn chưa thể khẳng định tất cả dự án thành phần sẽ đấu thầu lựa chọn được nhà đầu tư.

Để triển khai dự án theo quy định cần nhiều thời gian. Nếu các cơ chế, chính sách được chấp thuận thì có thể khởi công dự án thành phần sớm nhất trong năm 2019... Vì vậy Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án theo thẩm quyền của Quốc hội.

Các chuyên gia cho rằng có cao tốc Bắc-Nam thì đất nước mới sớm cất cánh được.Trong ảnh: Mô hình cao tốc Bắc-Nam với sáu làn xe. Ảnh: V.LONG

Các chuyên gia đồng tình

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM khẳng định: “Chắc chắn phải có nguồn tài chính rồi thì mới quyết định làm cao tốc Bắc-Nam. Theo tôi, việc làm cao tốc Bắc-Nam là rất phù hợp, sát với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển đất nước hiện nay”.

Theo ông Hồ Đức Phớc, xây dựng cao tốc Bắc-Nam chính là việc tạo hạ tầng giao thông trọng yếu cho cả chiều dài đất nước. “Có cao tốc Bắc-Nam thì các vùng miền trên cả nước sẽ được kết nối với nhau, việc thu hút đầu tư cũng vì vậy mà trở nên dễ dàng và khả thi hơn. Tôi ủng hộ việc xây dựng cao tốc Bắc-Nam như đề xuất trong báo cáo của Bộ GTVT” - ông Phớc khẳng định.

Tuy vậy, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng lưu ý rằng: Để đảm bảo hiệu quả cao nhất khi đầu tư xây dựng cao tốc Bắc-Nam thì việc phòng chống thất thoát, lãng phí cũng cần được đặt ra. “Phải tăng cường công tác quản lý, tuân thủ những nguyên tắc đầu tư, đấu thầu đã được pháp luật quy định. Đồng thời cần có cơ chế giám sát chặt chẽ từ nhân dân cũng như các cơ quan chức năng khác. Có như vậy thì tôi tin cao tốc Bắc-Nam sẽ ổn” - ông Hồ Đức Phớc nói.

Để làm cao tốc Bắc-Nam hiệu quả, cần phải khắc phục những hạn chế của các dự án BOT thời gian qua mà nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra. Đặc biệt là có biện pháp quản lý tốt dự án để tránh thất thoát, kiểm soát chất lượng đường. Bên cạnh đó, phải kêu gọi được các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, hoàn thiện các cơ chế chính sách, không để tình trạng các văn bản “vênh” nhau dẫn đến khó khăn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài...

Ông NGUYỄN VĂN THANH,  Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cũng cho rằng việc đầu tư tuyến cao tốc Bắc-Nam là cần thiết, đến nay Việt Nam làm là chậm. Vì tất cả các nước trên thế giới muốn cất cánh phải có hệ thống giao thông hiện đại, trong đó cần phát triển đường cao tốc. Trong khi đó, tuyến Bắc-Nam, đặc biệt là quốc lộ 1 hiện nay đang quá tải. Tuy nhiên, Việt Nam ngân sách hạn hẹp nên phải “liệu cơm gắp mắm”, không thể làm ồ ạt được.

“Có người hỏi tôi thời gian qua dư luận phản ứng dự án BOT nên nhà đầu tư nản lòng. Tuy nhiên, tôi khẳng định những chủ đầu tư nản lòng là do họ làm ăn bậy bạ, chứ nhà đầu tư làm ăn nghiêm túc, có năng lực tài chính, chuyên môn... thì họ không bao giờ nản lòng cả” - ông Thanh khẳng định.

Ba giai đoạn đầu tư

Dự án cao tốc Bắc-Nam được phân kỳ làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2017 đến 2020, đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 với tổng chiều dài 654 km, qua 13 tỉnh, thành. Tổng mức đầu tư giai đoạn này là 118.716 tỉ đồng. Trong đó Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỉ đồng từ vốn trái phiếu chính phủ. Về tiến độ, giai đoạn 1 dự kiến khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành năm 2021.

Giai đoạn 2021-2025, đầu tư đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên-Huế) lên thành quy mô bốn làn xe. Giai đoạn sau năm 2025, đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm