Chạy thử tàu Cát Linh-Hà Đông

Theo đó, đơn vị này cho tàu chạy thử từ ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa và ngược lại. Theo Ban quản lý dự án đường sắt, việc chạy thử này là hoạt động bình thường những ngày qua của tổng thầu nhằm thực hiện để căn chỉnh kỹ thuật các hạng mục.

Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đang chạy căn chỉnh kỹ thuật. Ảnh: VIẾT LONG

Trước đó, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông được đóng điện trên toàn tuyến để phục vụ công tác thi công, kiểm tra, vận hành, chạy thử đơn động, liên động cho từng chuyên ngành thiết bị cũng như để chuẩn bị công tác vận hành, chạy thử liên động toàn dự án trong tháng 8-2018.

Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân quanh khu vực công trường và các tài sản, thiết bị đã lắp đặt của toàn dự án, Ban quản lý dự án đường sắt thông báo cho người dân biết để không tự ý xâm nhập khu vực công trường.

Bên cạnh đó, không tự ý tháo dỡ các thiết bị và tài sản của dự án; không mang vác, lắp dựng cây, cột bằng kim loại, các loại cột gỗ tươi... để tránh va chạm gây nên phóng điện, dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc về con người và tài sản.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Toàn tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông dài 13 km trên cao. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn bốn toa. Thời gian khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai sẽ là hai phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80 km/giờ, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/giờ.

Theo kế hoạch, dự án chạy thử kỹ thuật từ ba đến sáu tháng, sau đó sẽ đi vào khai thác thương mại.

              Gỡ chữ Trung Quốc ở các nhà ga

Liên quan đến phản ánh của người dân, những ngày gần đây, trên một số nhà ga thuộc dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) có đề tên biển nhà ga bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, tiếng Trung Quốc lại ở phía trên tiếng Việt và có kích cỡ lớn hơn. Đến ngày 7-8, hầu hết các biển thông tin trên đã được gỡ bỏ.

Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết các biển thông tin trên là biển tạm thời, do đơn vị thi công tự ý gắn giúp người của đơn vị thi công (tổng thầu EPC Trung Quốc) dễ nhận biết. Sau khi có thông tin trên, đơn vị đã yêu cầu tổng thầu gỡ các biển thông tin trên và yêu cầu không tái diễn việc tự ý gắn biển thông tin sử dụng song ngữ tại dự án.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm