Cầu Vàm Sát 2 nối Cần Giờ với trung tâm TP.HCM

Ngày 14-12, ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông số 4, cho biết hiện lực lượng công binh đang tiến hành rà phá bom mìn, vật nổ tại khu vực sẽ xây dựng cầu Vàm Sát mới (cầu 2) bắc qua rạch Vàm Sát, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Sau khi rà phá bom mìn xong, đầu năm 2018 sẽ khởi công xây dựng cầu này.

Cầu Vàm Sát 2 nằm cách cầu Vàm Sát hiện hữu khoảng 100 m về phía cửa sông Soài Rạp. Điểm đầu dự án là đường Lý Nhơn và điểm cuối là ngã ba đường Lý Nhơn và đường đê Soài Rạp. Cầu và đường dẫn hai đầu có tổng chiều dài 1.080 m, mặt cầu rộng 10 m. Khoang thông thuyền dưới cầu rộng 50 m, cao 7 m. Cầu được thiết kế có tuổi thọ 100 năm, chịu được động đất cấp 7 và tốc độ lưu thông qua cầu là 60 km/giờ, không hạn chế tải trọng. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cầu Vàm Sát 2 là 342 tỉ đồng.

Phối cảnh cầu Vàm Sát 2, cách cầu Vàm Sát 1 (phía trái) khoảng 100 m. Ảnh: Sở GTVT TP

Mục tiêu xây dựng cầu Vàm Sát 2 nhằm hỗ trợ cho cầu 1 cũ hiện đã xuống cấp, từ đó khai thác hiệu quả trục đường Lý Nhơn kết nối giao thông giữa các xã An Thới Đông, Lý Nhơn với trung tâm huyện Cần Giờ và với trung tâm TP.HCM. Cạnh đó, cầu mới sẽ tăng khả năng lưu thông hàng hóa, người qua lại giữa Cần Giờ với huyện Cần Giuộc (Long An) và huyện Gò Công (Tiền Giang) thông qua bến phà Vàm Sát-Tân Tập, nối vào quốc lộ 50 vừa được khởi công xây dựng cuối tháng 11-2017. Cầu mới sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực này tăng tốc.

Trước đó, cầu Vàm Sát 1 được khởi công và khánh thành đưa vào sử dụng tháng 4-2006. Cầu Vàm Sát 1 là cầu dây văng nông thôn chỉ rộng 4,3 m và trọng tải 10 tấn trở xuống, không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa trong vùng. Ngoài ra, sau nhiều năm sử dụng cầu Vàm Sát 1 đã xuống cấp nặng, buộc phải hạ tải xuống còn tám tấn và có chốt trực gác ở hai đầu để điều tiết từng chiều xe qua cầu một lần và ngăn chặn xe quá tải đi qua.

Như vậy, khi cầu Vàm Sát 2 mới xây dựng xong vào năm 2019, năng lực lưu thông qua khu vực tam giác giáp biển của ba địa phương là TP.HCM, Long An và Tiền Giang sẽ tăng nhanh và rút ngắn khoảng cách, thay vì phải đi đường vòng theo quốc lộ 50 và đường Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát, Rừng Sác...

Nâng cao khả năng liên kết vùng

Ngày 24-11 vừa qua, Sở GTVT TP.HCM và tỉnh Long An khởi công xây dựng phà Tân Tập-Vàm Sát thay cho bến đò ngang hiện hữu. Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, việc đầu tư xây dựng bến phà mới thay cho đò nhằm đáp ứng nhu cầu của ô tô đến 10 tấn lưu thông từ hướng quốc lộ 50 (Long An, Tiền Giang) về hướng Cần Giờ, TP.HCM và ngược lại, rút ngắn gần 50 km so với hướng đi theo các tuyến đường bộ.

Như vậy, cùng với việc xây cầu Vàm Sát 2, bến phà Tân Tập-Vàm Sát sẽ góp phần nâng cao khả năng liên kết vùng, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực phòng thủ ven biển TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm