Cần gần 14.000 người để vận hành đường sắt cao tốc Bắc-Nam

“Để quản lý, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam cần đào tạo khoảng 13.773 nhân lực (bằng 50% nhân lực của ngành đường sắt hiện tại). Trong đó, giai đoạn đầu (năm 2030) cần đào tạo khoảng 5.182 nhân lực và giai đoạn sau (2040-2050) đào tạo số nhân lực còn lại...”. Đó là nội dung về đào tạo nguồn nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam được liên danh tư vấn do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đứng đầu báo cáo sáng 11-10.

Theo liên danh tư vấn, hiện nay các đơn vị trong nước đều chưa đủ khả năng đào tạo về công nghệ và kỹ thuật đường sắt tốc độ cao nên liên danh tư vấn đề xuất thành lập học viện đường sắt. Cụ thể, năm 2024 bắt đầu xây dựng và năm 2027 bắt đầu đào tạo.

Về mô hình quản lý, khai thác, liên danh tư vấn kiến nghị thành lập một công ty đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao, đồng thời thành lập một công ty vận tải đường sắt tốc độ cao với hai chi nhánh Bắc và Nam. “Công ty này sẽ đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và bảo dưỡng phương tiện, trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho công ty đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao…” - đại diện tư vấn đề xuất.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam cần nhìn dưới góc độ là một động lực để phát triển cả mặt kinh tế và khoa học công nghệ của đất nước. Ông Kiên khẳng định cá nhân ông và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có quan điểm những gì Việt Nam (VN) làm được thì phải để VN làm. Tránh trường hợp vay tiền nước ngoài xong rồi VN chỉ làm thầu phụ.

Một số chuyên gia cũng cho rằng ban đầu VN có thể phụ thuộc nhiều công nghệ nước ngoài nhưng cần phải dần dần làm chủ được công nghệ. Tránh trường hợp khi các nước trên thế giới không còn sử dụng công nghệ đã bán thì VN sẽ bị động.

Kết luận, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu liên danh tư vấn nghiên cứu và chỉnh sửa báo cáo cho phù hợp với những góp ý của các đại biểu. Đồng thời làm rõ tính khả thi của dự án, việc sử dụng vốn… Ngoài ra, cần đưa ra lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, lựa chọn công nghệ tốt. Đặc biệt, phải chỉ ra những gì VN tự chủ được và cái gì phải nhập khẩu.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ được xây mới hoàn toàn với chiều dài 1.545 km, kéo dài từ Hà Nội đến TP.HCM, gồm 23 nhà ga, đi qua 20 tỉnh, thành với tổng mức đầu tư khoảng 1,3 triệu tỉ đồng. Dự kiến điểm đầu là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối là ga Thủ Thiêm (phường Phú An, quận 2, TP.HCM). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm