Buýt đường sông ở TP.HCM thu hút 245.000 lượt khách

Theo Sở GTVT, hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn TP hiện nay được đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tổng số vốn đầu tư hai tuyến là 128,47 tỉ đồng.

Sau gần hai năm hoạt động, tại tuyến buýt số 1, nhà đầu tư đã hoàn thiện 5/9 bến, bao gồm: Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông. Đối với những bến còn lại do chưa được bàn giao đất (bến trung tâm Bình Triệu và Sài Gòn Pearl) hoặc chủ đầu tư chưa thực hiện (bến Tầm Vu và Thảo Điền).

Tuyến buýt số 2 hiện đang liên quan đến dự án cải thiện môi trường nước và dự án đầu tư cống kiểm soát triều Bến Nghé. Do đó, tuyến buýt sông số 2 sẽ đưa vào khai thác khi các dự án trên hoàn thành. Sở GTVT sẽ phối hợp với sở, ngành, địa phương liên quan, nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh thời gian thi công.

Nhiều người dân xếp hàng để đi buýt sông. Ảnh: T.NGUYÊN

“Qua quá trình hoạt động, tuyến buýt đường thủy số 1 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của khách hàng. Đây là loại hình mới, tạo tiền đề để phát triển vận tải hành khách và du lịch đường thủy TP. Người dân có cơ hội trải nghiệm và giới thiệu bạn bè, khách du lịch trong và ngoài nước khi đến thăm TP” - Sở GTVT cho hay.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư vẫn còn một số tồn tại như chưa xác định rõ ranh giới, vị trí khu đất, cắm mốc, đo đạc bản đồ hiện trạng vị trí các bến; chưa lập hồ sơ thuê đất và nộp tại Sở TN&MT. Bên cạnh đó, chủ đầu tư chưa hoàn thành đề xuất điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng vốn dầu tư, tiến độ thực hiện, thời gian thực hiện tuyến buýt số 2. Chưa hoàn thành điều chỉnh quy mô bến trung tâm Bình Triệu để xác định cụ thể, chi tiết các khu chức năng phù hợp với dự án và công năng sử dụng của bến…

Sở GTVT đánh giá bến trung tâm Bình Triệu là một trong những đầu mối giao thông đường thủy kết nối thuận lợi với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như đường bộ, đường hàng không, đường sắt. Vị trí bến là điểm trung chuyển, kết nối ra vòng xoay tại giao lộ Phạm Văn Đồng và quốc lộ 13, đến cảng hàng không Tân Sơn Nhất, ga đường sắt Bình Triệu.

Do đó, việc đầu tư xây dựng bến trung tâm Bình Triệu để phục vụ cho vận tải hành khách công cộng đường thủy nói chung của TP là rất cần thiết. Đó là một giải pháp phù hợp với chủ trương, quy hoạch bến bãi; góp phần chỉnh trang cảnh quan sông nước, nâng cao chất lượng giao thông đường thủy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm