Buýt đường sông: Khi nhộn nhịp, lúc vắng tanh

Thất vọng vì không mua được suất vé sớm ngày cuối tuần, anh Nguyễn Văn Tài (quận Thủ Đức) chia sẻ: “Mang tiếng là buýt sông nhưng muốn đi phải đặt vé trước và phải ngồi đợi nửa ngày mới được đi thì đi làm gì. Hôm nay gia đình tôi muốn đến quận 1 chơi nên lựa chọn đi buýt đường sông để trải nghiệm. Cứ nghĩ đi giờ nào cũng có vé nhưng khi chúng tôi đến nơi thì suất vé 11 giờ đã bán sạch và nếu đi thì phải đợi đến 14 giờ”.

Khách mòn mỏi đợi chuyến

Theo anh Tài, dù có hào hứng đi buýt sông đến mấy nhưng thời gian chờ quá lâu nên gia đình anh không mua vé chuyến muộn. “Tôi sợ cảnh đợi tàu quá, đi chơi thôi mà cũng đợi đến ba giờ đồng hồ. Vì vậy khi nhân viên hướng dẫn tôi mua vé khứ hồi chuyến 14 giờ thì tôi từ chối vì sợ phải đợi tàu, chiều quay về đây muộn mất”.

Đồng quan điểm, chị Phan Thị Thảo (quận 1) cho hay: “Cuối tuần cả gia đình rủ nhau đi buýt sông coi như thưởng ngoạn sau một tuần làm việc vất vả. Cứ nghĩ đi giờ nào cũng có tàu về, nào ngờ xuống đây phải đợi mòn mỏi mới có tàu đưa về quận 1. Cả đi và chờ tàu cũng mất bốn giờ đồng hồ. Tôi thấy buýt sông chỉ có thể đi du lịch thôi, chứ đi làm thì không khả quan vì ít chuyến quá”.

Theo ghi nhận của PV, những ngày cuối tuần khách rất đông, đa phần mục đích chuyến đi của các hành khách là du lịch, trải nghiệm, thưởng ngoạn cảnh sông. Tuy nhiên, số lượng tàu còn khá ít chuyến nên cuối tuần nhiều hành khách vẫn không mua được vé như ý muốn.

Ngược lại, vào những ngày trong tuần rất vắng khách. Theo quan sát mới đây của PV, khoảng 9 giờ sáng tại bến Linh Đông (Thủ Đức), khách đi buýt sông vắng hoe, cả giờ đồng hồ chỉ có hai người mua vé.

Một nhân viên bán vé buýt đường sông tại bến này cho biết vào ngày thường rất ít hành khách, chỉ chiếm khoảng 30% năng lực vận tải khách của tàu. Riêng vào các ngày cuối tuần thì lại rất đông khách. Hành khách muốn đi phải tới mua vé trước, thậm chí mua luôn vé khứ hồi, tránh tình trạng không có vé quay ngược lại.

Nhân viên này thông tin thêm khi tàu chở khách từ Bạch Đằng xuống bến Linh Đông, hành khách sẽ lên bến chụp ảnh, ngồi nghỉ chừng 30 phút rồi tiếp tục đón khách quay trở lại Bạch Đằng. Điểm đặc biệt, toàn bộ khách đều xuống bến dừng chân và quay ngược về chứ không ai ở lại bến cả.

Vào cuối tuần, nhiều khách hàng phải xếp hàng chờ mới mua được vé lên buýt đường sông. Ảnh: Đ.TRANG

Đi vì mục đích gì là do người sử dụng

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1), cho biết bản chất buýt sông là phương tiện vận chuyển hành khách, người dân có thể dùng vào mục đích đi làm, đi học, đi chơi… là do người đó sử dụng.

Trước nhiều ý kiến cho rằng buýt sông được xây dựng nhằm mục đích du lịch mà không phải phục vụ vận tải hành khách bằng đường sông, đồng thời kéo giảm ùn tắc giao thông trên đường bộ như mục đích ban đầu xây dựng lộ trình tuyến này, ông Toản lý giải tất cả vấn đề trên đều nằm trong tính toán của chủ đầu tư. Việc hành khách đi nhiều vào cuối tuần, đi ít vào ngày thường là hết sức bình thường.

Tuy nhiên, ông Toản cho rằng công ty cũng phải tính trung bình lượt khách đi để quyết định đầu tư lượng tàu cho phù hợp và công ty không thể đầu tư thêm số tàu phục vụ lượng khách tăng đột biến vào cuối tuần được. Trường hợp lượng khách đi vào cuối tuần đông, công ty sẽ bố trí tăng cường thêm 2-3 chuyến để giảm bớt tình trạng đợi tàu.

“Trên đường bộ có cả ngàn tuyến đường và đi tuyến nào cũng giống nhau cả nên khi người dân dùng buýt sông để di chuyển thì sẽ mang một cảm xúc đặc biệt giống như đi du lịch” - ông Toản nói.

Theo ông Toản, buýt sông vốn dĩ là một phương tiện và người đi vì mục đích gì thì nó mang sứ mệnh đó, có thể cho những người hưu trí đi chơi, sinh viên đi học, khách Tây đi du lịch trải nghiệm… Và bản thân các nước khác trên thế giới thì buýt sông cũng chỉ có 30% là đi lại bằng đường thủy, còn lại đều nhằm mục đích du lịch.

“Thời gian tới công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện các bến chưa triển khai để tạo sự kết nối đồng bộ, khai thác tối đa khách hàng tiềm năng, trong đó khách sử dụng buýt sông vào mục đích đi lại phải chiếm ít nhất 20%” - ông Toản thông tin.

Lý giải việc hành khách phải đợi hơn ba giờ đồng hồ mới có thể quay đầu ở bến Linh Đông, ông Toản cho rằng do buýt sông phải chạy theo lịch trình đã lên trước. Hành khách muốn đi buýt sông nên tìm hiểu lộ trình trước để thuận tiện hơn cho chuyến đi.

Lời, lỗ doanh nghiệp tự chịu

Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy, Sở GTVT TP.HCM, cho biết TP có hơn 100 tuyến sông, kênh rạch chằng chịt với chiều dài hơn 1.000 km. Theo đó, việc phát triển mô hình buýt sông có nhiều thuận lợi như góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du lịch. Đây là một mô hình mới nên việc người dân tham quan, thưởng ngoạn là việc bình thường. Tuyến buýt này do doanh nghiệp đầu tư nên lời, lỗ doanh nghiệp tự chịu. Thời gian tới khi các bến được hoàn thiện, kết nối với nhau thì có thể sẽ thu hút nhiều hành khách hơn.

Công ty Thường Nhật cho hay đơn vị đang triển khai đầu tư thêm ba bến buýt sông để người dân tiếp cận thuận lợi hơn với loại hình giao thông này. Công ty này cũng đang triển khai và thẩm định thiết kế ba bến buýt sông nói trên, đồng thời tiến hành khảo sát địa hình, thủy văn, thủy triều… theo đúng tiến độ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm