BOT giao thông: Lộ bất cập về chính sách

“Trước đây hạ tầng kỹ thuật giao thông xuống cấp trong lúc ngân sách đầu tư vô cùng eo hẹp. Trước tình hình cấp bách ấy, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết 13, rồi Chính phủ ban hành Nghị định 108/2009 cho phép mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên bằng hình thức kết hợp cả đầu tư bằng ngân sách và BOT. Đây chính là cơ sở chính trị, pháp lý cho việc triển khai các dự án BOT trên đường độc đạo” - ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, cho biết.

Xuất hiện bất cập

Trong quá trình thực hiện các dự án BOT giao thông, Bộ GTVT thừa nhận còn có một số tồn tại, bất cập trong thực hiện, điều hành, quản lý.

Cụ thể, việc nâng cấp, cải tạo những công trình hiện hữu được Chính phủ khuyến khích đầu tư tại Nghị định 108/2009, tuy nhiên việc đầu tư các dự án này đã làm hạn chế sự lựa chọn của người dân. Ngoài ra, việc kiểm soát chi phí đầu tư chưa chặt chẽ, còn tồn tại sai sót trong quá trình thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình.

Bộ GTVT cũng thừa nhận hầu hết dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu. Mặc dù quy định của pháp luật cho phép và việc chỉ định thầu cơ bản tuân thủ đúng pháp luật nhưng việc chỉ định thầu đã hạn chế tính cạnh tranh của dự án.

“Việc công bố danh mục kêu gọi đầu tư, đăng thông tin kết quả lựa chọn nhà đầu tư chưa chặt chẽ; Nhà nước chưa có giải pháp quản lý hiệu quả về doanh thu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, dẫn tới dư luận còn nghi ngờ về tính minh bạch trong việc quản lý doanh thu…” - lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận.

Ngoài ra, phí dịch vụ sử dụng đường bộ chưa đảm bảo công bằng cho các phương tiện khu vực xung quanh trạm và một số phương tiện sử dụng các tuyến đường ngang đi qua trạm, sử dụng quãng đường ngắn. Một số trạm trước đây thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn ngân sách nhà nước được tận dụng lại để chuyển sang thu hoàn vốn cho các dự án BOT, vị trí nằm ngoài phạm vi dự án gây bức xúc cho người sử dụng...

Vì sao dân phản ứng?

Từ chính sách bất cập đã dẫn tới hàng loạt tình huống đẩy người dân vào thế bức xúc, phản ứng. Cụ thể, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đi kèm với làn sóng đầu tư BOT là một loạt trạm thu phí mọc lên dày đặc, một số nơi thu phí cao so với khả năng chi trả của người dân…

PSG-TS Phạm Hồng Thái, Phó Trưởng khoa Vận tải kinh tế, Trường ĐH GTVT - người từng tham gia đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các công trình giao thông BOT, cho biết trong quá trình giám sát ông nhận thấy một số trạm BOT đặt vị trí chưa hợp lý, mức phí chưa phù hợp, công tác lựa chọn nhà đầu tư chưa tốt… Đặc biệt, người dân ở khu vực quanh trạm thu phí chưa được xem xét một mức phí phù hợp.

Theo PGS-TS Thái, khi triển khai dự án cần lấy ý kiến đầy đủ của người dân và phải công khai, minh bạch dự án từ đầu để người dân hiểu. Ngoài ra, phải tiếp tục có sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để xác định được giá trị thực của nhà đầu tư bỏ ra làm dự án như thời gian vừa qua. Đặc biệt, nên đầu tư BOT trên các tuyến đường đôi để người dân có sự lựa chọn. “Như dự án đèo Cả, người dân có thể chọn qua hầm hoặc đi trên hầm. Nếu đi trên hầm mất 60 phút và không mất tiền, còn nếu qua hầm phải mất phí. làm như vậy sẽ được xã hội đồng thuận ngay” - ông Thái nhấn mạnh.

88 là số trạm BOT trên các tuyến quốc lộ. Trong đó, Bộ GTVT quản lý 73 trạm, các tỉnh quản lý 15 trạm. Có 58 trạm có khoảng cách đến trạm liền kề >70 km, 10 trạm có khoảng cách 60-70 km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60 km. 

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng bức xúc của người dân hiện nay là trạm thu phí đặt vị trí chưa phù hợp khiến người dân không đi kilomet nào cũng phải trả phí. Đặc biệt, có những đoạn còn cấm đi để “lùa” người dân vào trạm thu phí.

“Bên cạnh đó, khi xác định mức phí BOT lại lấy cơ sở lợi nhuận làm chính và nhà đầu tư với sự thỏa thuận của cơ quan chức năng đã nâng mức thu và thời gian thu lên. Điều này cũng đồng nghĩa người dân đóng góp quá nhiều. Ngoài ra, quá trình thu phí BOT không minh bạch đã dẫn đến những phản ứng của người dân…” - TS Thủy phân tích.

Còn theo TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA (Nhật), về nguyên tắc, khi một dự án được lập ra, các cơ quan chức năng phải thực hiện khảo sát không chỉ về kỹ thuật mà còn về kinh tế, môi trường và xã hội. Trong đó, khảo sát về xã hội là rất quan trọng nhưng Việt Nam làm khảo sát này rất qua loa và sai đối tượng.

“Lâu nay khi khảo sát ý kiến người dân, chúng ta cứ mặc định UBND địa phương hoặc các hội đoàn là người đại diện nhưng đối tượng trực tiếp sử dụng dịch vụ là người dân lại không được khảo sát. UBND không thể đại diện cho người trực tiếp sử dụng dịch vụ được...” - ông Đức nhấn mạnh.

Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “BOT - Từ góc nhìn đa chiều”

Hôm nay, ngày 17-10, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “BOT - Từ góc nhìn đa chiều” với sự tham dự của đại diện nhiều cơ quan quản lý nhà nước; chuyên gia tài chính, giao thông; nhà đầu tư… gồm có: Ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT; ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội; đại biểu Quốc hội - luật sư Trương Trọng Nghĩa  (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM); TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính, kinh tế…

Hội thảo sẽ làm rõ những mặt tích cực và tiêu cực trong đầu tư BOT hiện nay ở Việt Nam. Đồng thời, có một đánh giá công bằng, khách quan hơn về hình thức đầu tư trên.

NB

Sớm chấn chỉnh bất cập

Để chấn chỉnh những bất cập trên, tháng 10-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 437 và tiếp đến, tháng 6-2018 Chính phủ cũng có Nghị quyết 83. Các nghị quyết nêu rõ: Đối với các dự án BOT, chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa chỉ định thầu.

Bên cạnh đó, hiện Bộ GTVT kiến nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. “Đặc biệt, cần sớm xây dựng, ban hành Luật Đầu tư đối tác công-tư; rà soát lại toàn bộ hệ thống nghị định, thông tư liên quan, kịp thời điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của hình thức đầu tư PPP và thông lệ quốc tế. Việc hoàn thiện thể chế, chính sách sẽ khắc phục được các bất cập về chủ trương đầu tư, chính sách phí, lựa chọn nhà đầu tư...” - lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm