BOT Bình Lợi: Vướng víu, chậm tiến độ

Được động thổ từ ngày 28-4-2015 nhưng đến một năm sau, dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc (Bình Dương) vẫn chưa động đậy. Dự án do liên danh nhà đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đô thị xanh (GUD) - Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng STD Việt Nam thực hiện bằng nguồn vốn BOT.

 “Giẫm, đạp” nhau và chỉ định thầu

Trước khi Bộ GTVT có kết luận thanh tra chỉ rõ nhiều tồn tại, sai sót tại dự án này, nhiều đoàn kiểm tra, giám sát của Quốc hội (QH), của Bộ GTVT cũng đã phát hiện và yêu cầu đơn vị quản lý dự án, nhà đầu tư khắc phục.

Cụ thể, ngày 5-5-2017, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH do ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH, làm trưởng đoàn, có cuộc giám sát tại thực địa dự án này. Tại cuộc giám sát, ông Vũ Đức Cúc, đại diện chủ đầu tư dự án, cho rằng công trình chậm hoàn thành hơn một năm là do vướng cáp ngầm, cáp điện trên cao, cáp quang đường sắt phục vụ cho hệ thống thông tin tín hiệu của ngành này.

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên đặt vấn đề các công trình cáp điện, cáp quang, cáp viễn thông và cáp tín hiệu đường sắt... đều là của các cơ quan, công ty nhà nước sao lại gây cản trở cho nhau, chậm giải tỏa, di dời? Ngay như công trình phục vụ cho ngành đường sắt là bên tín hiệu đường sắt cũng chậm di dời... “Như thế có phải là các cơ quan nhà nước, các cơ quan cùng trong ngành, bộ với nhau tự “giẫm, đạp” lên nhau nên công trình mới bị chậm?” - ông Kiên nói.

Ông Kiên cũng đặt vấn đề tại sao dự án (gồm phần xây cầu và phần nạo vét luồng) lại được chỉ định thầu. Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác công tư (Vụ PPP, Bộ GTVT), giải trình phải chỉ định thầu thay vì đấu thầu dự án vì từ lúc thông báo mời thầu đến 30 ngày sau phải mở thầu mà chỉ có một nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu... nên cuối cùng buộc Bộ GTVT phải xem xét, chỉ định thầu.

Ngày 12-7-2017, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa (khi đó) cũng đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới. Báo cáo với Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, cho biết đến thời điểm này ở đầu bờ phía quận Bình Thạnh mới làm xong ba thân trụ cầu, phía quận Thủ Đức là hai trụ. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tỏ ra bất ngờ khi có chòi canh gác chắn chậm di dời. “Cầu mới là để phục vụ cho chính ngành đường sắt, nâng cao năng lực chạy tàu mà sao có một chòi canh bé tí bên đường sắt cũng chậm di dời?” - Bộ trưởng Nghĩa đặt câu hỏi.

Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án BOT đường sắt Bình Lợi, TP.HCM. Ảnh: LƯU ĐỨC

“Chúng tôi bị… ép”

Chiều 3-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCMvề những sai phạm của dự án mà kết luận thanh tra của Bộ GTVT vừa nêu, ông Phan Văn Duy cho biết vào thời điểm đầu năm 2015, dự án cầu đường sắt Bình Lợi và nạo vét sông Sài Gòn mới manh nha. Nhưng lãnh đạo Bộ GTVT khi đó (thời điểm ông Đinh La Thăng làm bộ trưởng) thúc ép: “Cho dù các thủ tục pháp lý chưa xong thì các anh cứ làm đi! Sau đó cứ vận dụng cái đặc thù cho công trình BOT đường thủy đầu tiên của cả nước mà… làm!”.

Chiều 3-12, PV liên lạc với ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, để hỏi về trách nhiệm cũng như việc thực hiện kết luận của thanh tra Bộ GTVT nhưng ông Giang không bắt máy. Liên lạc với ông Trần Đức Hải, Cục phó, thì ông Hải cho biết đến nay Cục chưa nhận được văn bản nào của Bộ GTVT chỉ đạo về việc trên nên Cục chưa xem xét cũng như tiến hành kiểm điểm theo kết luận của thanh tra Bộ GTVT. 

Ông Duy cũng cho biết Cục được giao làm cơ quan quản lý nhà nước theo dõi dự án, đến đầu năm 2018 thì bị ép bàn giao lại cho Ban quản lý dự án 7 (Ban 7, cũng thuộc Bộ GTVT) với lý do bên Ban 7 đang thiếu việc, còn bên đường thủy nội địa thì… không có kinh nghiệm làm đường sắt. “Nhưng theo chúng tôi hiểu, vì chúng tôi cho rằng lượng tàu thuyền từ trên 300 tấn đi qua cầu Bình Lợi đã tăng 1,5-2 lần/năm so với lúc đầu lập dự án, nên nhà đầu tư BOT khi đi vào khai thác phải giảm thời gian thu phí lại. Ý kiến của chúng tôi không được lắng nghe và sau đó chúng tôi phải giao việc!” - ông Duy nói.

Nhiều sai sót

Bộ GTVT vừa có Kết luận thanh tra số 10684/KL-BGTVT chỉ rõ nhiều sai sót tại dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc (Bình Dương) theo hợp đồng BOT. Điển hình:

- Cho phép lập dự án trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương; phê duyệt dự án trước khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt, phải bổ sung, thay đổi nhiều hạng mục công việc ảnh hưởng đến tiến độ và giá thành dự án.

- Nhiều yếu tố kỹ thuật được lựa chọn chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt khổ 1.435 mm, chỉ đáp ứng được nhu cầu khai thác hiện nay (với khổ đường ray 1 m); dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu đoàn tàu thiết kế và tương lai tuyến đường sắt Trảng Bom-Hòa Hưng.

- Việc khảo sát, thiết kế cơ sở luồng tuyến sông Sài Gòn sơ sài, nhiều số liệu không sát với thực tế, phải điều chỉnh thay đổi giải pháp thiết kế, thay đổi giá trị gói thầu.

- Việc lựa chọn nhà thầu còn có một số tồn tại, không đảm bảo tiêu chí, năng lực theo hồ sơ yêu cầu. Dự án bị chậm tiến độ tới 17 tháng so với hợp đồng BOT…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm