Bộ Tư pháp: Cấm dịch vụ đi xe chung là sai luật

Bộ Tư pháp vừa có văn bản góp ý dự thảo về Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT bỏ quy định “Đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết một hợp đồng”. Nguyên nhân, quy định này không hợp lý, cản trở doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải kết hợp nhận vận chuyển nhiều nhóm khách trên một tuyến đường để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ không có bất kỳ quy định nào hạn chế và cấm dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng. Vì vậy, mọi quy định hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng về số lượng hợp đồng, nội dung hợp đồng khi chưa được luật cho phép chỉ nhằm phục vụ công tác quản lý có thể bị coi là không hợp hiến, hợp pháp.

Sự ra đời của dịch vụ đi xe chung của Grab gây nhiều tranh cãi thời gian qua. Ảnh: VIẾT LONG

“Việc hạn chế dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng là hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng, không phù hợp với nhu cầu sử dụng xe hợp đồng phục vụ cho việc đi làm, đi học (đưa đón một cách thường xuyên)…” - đại diện Bộ Tư pháp khẳng định.

Đối với loại hình Uber, Grab, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT cần nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm Grab, Uber… để có quy định quản lý phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch.

Bên cạnh đó, quy định đơn vị kinh doanh vận tải ô tô trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo đến Sở GTVT nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô thông tin về hành trình, thời gian thực hiện. Việc yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo sẽ thêm thủ tục hành chính, chi phí cho DN mà cũng không bảo đảm đạt được mục đích quản lý xe hợp đồng.

Đối với các loại hình vận tải khác, Bộ Tư pháp lưu ý và xem xét việc cấm các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh (trừ những vị trí do UBND cấp tỉnh công bố). Nguyên nhân, quy định này là không rõ mục tiêu quản lý, hạn chế đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện dịch vụ vận chuyển, đưa đoàn cán bộ, công nhân viên theo hợp đồng cho các cơ quan, DN. Bộ Tư pháp cho rằng việc quy định như dự thảo nghị định còn mang nặng tính chất áp đặt hành chính, tạo gánh nặng cho việc giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.

Grab vẫn triển khai dịch vụ đi xe chung

Liên quan đến dịch vụ đi xe chung, trước đó Bộ GTVT từng yêu cầu Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam dừng việc triển khai dịch vụ trên đối với xe hợp đồng vì không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và gây nhiều nguy cơ cho hành khách. Tuy nhiên, Grab khẳng định họ đã tham vấn các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp về vấn đề trên nên việc triển khai này là đúng quy định pháp luật. Từ lập luận trên, Grab vẫn tiếp tục triển khai dịch vụ đi xe chung cho đến nay.

Tuy nhiên, hiện nay taxi truyền thống tiếp tục cho rằng việc triển khai dịch vụ đi xe chung của Grab là trái quy định pháp luật. Nên trong kiến nghị của mình, các hãng taxi truyền thống kiến nghị bổ sung vào dự thảo quy định rút giấy phép kinh doanh vận tải, kinh doanh phần mềm ứng dụng kết nối, dịch vụ hỗ trợ vận tải đối với các đơn vị vi phạm quy định pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm