Bộ trưởng GTVT: Quá nhiều trạm BOT khiến dân bức xúc

Trước “sức nóng” tại các dự án BOT, ngày 18-1, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp báo trả lời những thắc mắc của người dân cũng như đưa ra những biện pháp để “hạ nhiệt” tại các trạm BOT. Sau phần giải thích cơ sở pháp lý để triển khai các dự án BOT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể mời PV đặt câu hỏi thẳng vào các vấn đề dư luận đang quan tâm, thắc mắc.

BOT Cai Lậy: Phải chờ…

. Phóng viên: Sau Cai Lậy, hàng loạt dự án BOT bị phản ứng, vấn đề ở đây không chỉ là mức phí mà còn là vị trí trạm. Vậy Bộ GTVT đã có những biện pháp nào để giải quyết vấn đề cốt lõi này?

+ Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Sau BOT Cai Lậy có nhiều trạm bị phản ứng yêu cầu dời trạm. Tuy nhiên, các trạm BOT hiện nay đều có vị trí, ý nghĩa khác nhau. Ví dụ trạm Cai Lậy (Tiền Giang), mong muốn của địa phương là vừa có đường vừa mở rộng đô thị, tạo không gian để phát triển kinh tế, đô thị chứ không đơn thuần là tuyến tránh. Vì vậy những đề xuất di dời trạm chúng ta cần xem xét thế nào cho hợp lý. Hay đặt trạm BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp (TP Cần Thơ) là nhằm mở rộng, nâng cấp một tuyến đường thẳng thành quốc lộ mới, tốt, nếu dời thì dời đi đâu? Nên tôi cho rằng đề xuất dời là không hợp lý.

Tất nhiên, Bộ GTVT hiện nay sẽ tiếp nhận toàn bộ ý kiến của người dân nhưng quyết định từng trường hợp cụ thể như thế nào cần phải xem xét. Trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT thì chúng tôi sẽ giải quyết, còn vượt thẩm quyền đơn vị sẽ báo cáo cấp trên.

. Đối với trạm Cai Lậy, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT đưa ra các giải pháp để giải quyết. Vậy đến nay Bộ GTVT đã đưa ra giải pháp nào chưa?

+ Ngày 4-12-2017, Thủ tướng đã có kết luận giao Bộ GTVT trong vòng 1-2 tháng phải báo cáo các phương án xử lý trạm BOT Cai Lậy. Theo đó, chúng tôi đã làm nghiêm túc và báo cáo Chính phủ. Nhưng phương án đến thời điểm này là phải có tính tổng thể. Vì vậy Thủ tướng giao Bộ GTVT và các bộ, ngành khác rà soát phương án Bộ GTVT đã trình để Thủ tướng quyết định. Đồng thời, giao cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì. Còn phương án nào Thủ tướng sẽ quyết, vì vậy chúng ta phải chờ một thời gian nữa...

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều 18-1. Ảnh: Viết Long

Không có lợi ích nhóm

. Trước đây Bộ trưởng là người thay mặt Bộ GTVT ký dự án BOT Cai Lậy, vậy trách nhiệm của Bộ trưởng đối với BOT Cai Lậy đến đâu?

+ Về trách nhiệm khi ký hợp đồng BOT Cai Lậy, tôi khẳng định bản thân không có tư túi, lợi ích nhóm, không làm cong bẻ sai. Đó là sự thật. Còn phán quyết thế nào thì thanh tra, kiểm toán, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang vào cuộc xem xét toàn bộ dự án BOT quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Đúng-sai cơ quan chức năng sẽ công bố.

. Bộ trưởng có nói vấn đề BOT là do “lịch sử để lại”, vậy ai chịu trách nhiệm về hệ lụy BOT trong thời gian vừa qua?

+ Nếu cơ quan, đơn vị nào làm sai chủ trương trước đây thì cơ quan, cá nhân đó chịu trách nhiệm. Trường hợp làm đúng theo chính sách trước đây nhưng bây giờ chính sách thay đổi thì việc thay đổi đó không có nghĩa là chúng ta hồi tố.

. Trước việc các trạm bị phản ứng đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, Bộ GTVT đã có biện pháp gì?

+ Thủ tướng đã chỉ đạo vấn đề này rất rõ. Những phản ứng hợp lý chúng tôi đều xem xét, trân trọng để điều chỉnh cho tốt. Còn những phản ứng không chính đáng, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân thì tôi nghĩ đó là trái pháp luật. Vì vậy đối với Bộ GTVT, nếu xảy ra ùn tắc vượt quy định, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư phải xả trạm, tất cả trạm đều phải thực hiện nghiêm. Trạm nào không thực hiện, chính quyền địa phương sẽ xử phạt theo quy định pháp luật… Tuy nhiên, có những hành vi cản trở giao thông dẫn đến ùn tắc rất nhanh như BOT Cai Lậy, 26.000 xe đi qua/ngày đêm, vài xe phản ứng dừng một lát thì ùn tắc 5-7 km ngay. Chúng tôi xả mà họ không đi thì vẫn ùn tắc kéo dài. Vì vậy nhiều khi người dân phải thông cảm, không phải xả là hết ùn tắc ngay.

Thủ tướng: Phải đảm bảo trật tự các trạm BOT

Ngày 18-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký công điện về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu: bí thư tỉnh ủy, thành ủy và chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương cần trực tiếp chỉ đạo giải quyết triệt để tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn, có biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi kích động, gây rối. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an và UBND các địa phương tổ chức giao thông khoa học hơn, cắm biển phân luồng, phân làn hợp lý tại các khu vực trạm thu giá. Bộ GTVT cung cấp ngay cho Bộ Công an các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm thu giá để có biện pháp xử lý nghiêm.

BOT là chủ trương tốt

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết việc đầu tư BOT được triển khai trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật giao thông xuống cấp, ngân sách eo hẹp. Bên cạnh đó, quỹ bảo trì đường bộ chỉ đủ vá các “ổ gà, ổ voi”, không sửa chữa lớn được. Trước tình hình cấp bách ấy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết 13, rồi Chính phủ ban hành Nghị định 108 cho phép mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên bằng hình thức kết hợp cả đầu tư bằng ngân sách và BOT. Đây chính là cơ sở chính trị, pháp lý cho việc triển khai các dự án BOT trên đường độc đạo.

Bộ trưởng Thể cũng khẳng định cần nhìn nhận BOT là một chủ trương tốt khi nguồn ngân sách hạn chế. Tuy nhiên, vừa qua việc hình thành quá nhiều trạm BOT trong thời gian ngắn đã khiến người dân bức xúc nên việc phản ứng của người dân là dễ hiểu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm