Bộ GTVT lên tiếng về kiến nghị dừng Uber, Grab

Theo đó, Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng là thí điểm hợp đồng điện tử thay cho giấy. Việc triển khai thí điểm này giúp các đối tác thuận tiện hơn (không cần gặp nhau để ký hợp đồng), giảm chi phí cho xã hội, nâng cao năng suất lao động.

Loại hình Uber, Grab đi vào hoạt động được người dân đón nhận tích cực. Nguyên nhân do thái độ phục vụ thân thiện, giá cả minh bạch, chất lượng xe tốt. "Nếu như trước đây người dân bị từ chối vận chuyển bởi các lý do như chặng đường ngắn thì giờ đây loại hình Uber, Grab khắc phục hết", đại diện Bộ GTVT khẳng định.

Bộ GTVT từng giải quyết những kiến nghị tương tự của các hiệp hội và hãng taxi truyền thống. Ảnh: VIẾT LONG

Về mặt giao thông, loại hình Uber, Grab không chạy lòng vòng tìm khách như taxi truyền thống, mức độ an toàn cũng cao hơn. Đặc biệt, hiện chưa ghi nhận vụ tai nạn giao thông nào nghiêm trọng của các xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ.

Đối với chức năng quản lý nhà nước, đại diện Bộ GTVT khẳng định xe hợp đồng hiện đã được quy định trong Luật giao thông đường bộ. Cụ thể, giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, thiết bị giám sát hành trình... Tuy nhiên, về giá thì xe taxi có gắn đồng hồ, nhưng xe hợp đồng điện tử có thỏa thuận giá từ trước nên việc áp dụng đồng hồ tính tiền với xe hợp đồng là không cần thiết.

Bên cạnh đó, việc xử phạt các xe vi phạm quy định được thông qua thiết bị giám sát hành trình. "Tháng nào Tổng Cục đường bộ Việt Nam cũng thống kê xe chạy quá tốc độ, vi phạm thời gian làm việc gửi về các đơn vị xử lý. Nếu xe không có phù hiệu như quy định thì xử phạt (5 triệu đồng/xe).... Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước đã quản lý về mọi mặt đối với loại hình này", đại diện Bộ GTVT khẳng định.

Về quản lý số lượng xe, đại diện Bộ GTVT cho rằng theo Điều 6 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, UBND các tỉnh phải quy hoạch phương tiện vận tải trên địa bàn địa phương mình phù hợp với thực tiễn. "Như vậy, địa phương phải xem xét số lượng xe phù hợp với khả năng kết cấu hạ tầng và nhu cầu của người dân...", đại diện Bộ GTVT thông tin.

Theo đại diện Bộ GTVT, thời gian Thủ tướng cho thí điểm hợp đồng xe điện tử là 2 năm (1-1-2016 đến 1-1-2018), như vậy chỉ còn vài tháng nữa sẽ tổng kết thí điểm. 

Tuy nhiên, đánh giá ban đầu cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin vừa qua tạo ra một lượng việc làm lớn, thu nhập cao cho người lao động và đáp ứng được nhu cầu lớn của xã hội.

"Kết quả đánh giá hai năm sắp tới chắc chắn sẽ nêu ra các mặt ưu điểm và hạn chế. Theo đó, những gì chưa được quy định cụ thể, chi tiết thì Bộ GTVT sẽ sửa đổi, bổ sung vào Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.... cho phù hợp", đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh.

Đại diện Bộ GTVT cho hay hiện có 8 đơn vị đã áp dụng công nghệ mới, sử dụng hợp đồng điện tử, thậm chí là công nghệ tối ưu hơn Uber, Grab.

“Như vậy, vấn đề nằm ở chỗ một số đơn vị taxi truyền thống vẫn bảo lưu quan điểm của mình mà không chịu đổi mới để cạnh tranh. Không thể bắt Uber, Grab dừng hoạt động, bởi cái gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được làm và đây là cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng, bình đẳng”, đại diện Bộ GTVT nói.

Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội có văn bản gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Theo đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9-2017, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội.

 Giá cước được thị trường điều chỉnh

Theo đại diện Bộ GTVT, từ khi có loại hình Uber, Grab đi vào hoạt động, người dân không còn phải xôn xao "mỗi lúc giá xăng tăng nhẹ thì giá cước đã phi mã". "Chúng ta có thể thấy đây là loại hình phá thế độc quyền và tạo ra sự cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng lớn cho người dân. Như vậy có thể khẳng định giá cước đang được thị trường điều chỉnh...", đại diện Bộ GTVT khẳng định.


Taxi truyền thống phải thay đổi

Tại cuộc gặp các doanh nghiệp bàn về vấn đề Uber, Grab, ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, mong muốn các hãng taxi truyền thống phải thay đổi để phát triển với mục tiêu đáp ứng tốt nhất nhu cầu cho người dân. "Tại sao taxi truyền thống không khuyến mãi giảm giá như Uber, Grab để lôi kéo khách hàng... ", ông Trường đặt vấn đề và cho rằng ứng dụng công nghệ là quy luật tất yếu của cuộc sống và nếu doanh nghiệp nào không theo kịp sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm