Bộ Công an sẽ quy định việc cấp bằng lái xe?

Sau khi Chính phủ thống nhất tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) ra thành hai dự án luật, bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ Công an đã thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Quốc hội dự án Luật GTĐB sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn (TTAT) GTĐB (luật mới). Trong đó, đáng chú ý là việc Chính phủ đề xuất giao Bộ Công an quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX).

Chính phủ đề xuất phương án một

Theo tờ trình của Bộ Công an, Luật Bảo đảm TTATGTĐB được Chính phủ thống nhất sẽ quy định các vấn đề về quy tắc giao thông; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông và chỉ huy, điều khiển GTĐB; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông…, đặc biệt là vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX.

Tuy nhiên, do còn ý kiến khác nhau nên trong tờ trình Quốc hội về dự án luật này, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến về vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX theo hai phương án. Quy định đào tạo, sát hạch và cấp GPLX trong Luật Bảo đảm TTATGTĐB hoặc giữ nguyên trong Luật GTĐB như hiện hành.

Nhận nhiệm vụ thay mặt Chính phủ thuyết minh hai phương án trên với Quốc hội, Bộ Công an đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan. Qua đó, thống nhất đề xuất phương án 1, quy định đào tạo, sát hạch và cấp GPLX vào Luật Bảo đảm TTATGTĐB.

Nguyên nhân, theo Bộ Công an, việc bảo đảm TTAT giao thông là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, TTAT  xã hội về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người. Còn đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng GTĐB, vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật để bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ đồng ý để Bộ Công an quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Ảnh: L.THY

Cạnh đó, thành tố chính để bảo đảm TTAT giao thông gồm tài xế, phương tiện giao thông, người và phương tiện kết nối với hạ tầng giao thông. Trong đó, người lái xe vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất an toàn giao thông.

Do đó, để bảo đảm TTAT giao thông, phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người lái xe một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX. “Mục tiêu lớn nhất của Luật Bảo đảm TTATGTĐB là bảo vệ quyền con người, phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông. Vì vậy, người tham gia giao thông phải có đủ kiến thức, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật là chính sách trọng tâm được điều chỉnh trong luật…” - Bộ Công an lý giải.

Việc quy định vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trong dự án Luật Bảo đảm TTATGTĐB theo Bộ Công an nhằm lập lại trật tự, nề nếp, kỷ cương, xây dựng nền giao thông văn minh, tôn trọng pháp luật. “Đặc biệt giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra như công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng người lái xe về kỹ năng điều khiển, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông, phòng ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông…” - Bộ Công an cho hay.

Xác định lại mục tiêu Luật GTĐB

Với phương án 2, Bộ Công an cho rằng từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã được quy định trong Luật GTĐB và được thực hiện ổn định. Cạnh đó, công tác này cũng đã được xã hội hóa mạnh mẽ. Đồng thời, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về hoạt động này được ban hành đầy đủ, đồng bộ. Chương trình đào tạo, quy trình sát hạch được xây dựng trên cơ sở phù hợp với kết cấu hạ tầng GTĐB, quy tắc giao thông, yêu cầu về điều kiện của phương tiện tham gia giao thông, hoạt động vận tải đường bộ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia...

Tuy nhiên, Bộ Công an lại cho rằng phương án này không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của Luật GTĐB sửa đổi là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ, phát triển vận tải đường bộ phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy,  dù không đồng tình với phương án này nhưng Bộ Công an vẫn đưa ra để Quốc hội tham khảo, cho ý kiến.

Với quyết định trên của Chính phủ, Bộ GTVT cho biết so với Luật GTĐB năm 2008, dự thảo Luật GTĐB sửa đổi có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh. Theo đó, dự luật này chỉ quy định về kết cấu hạ tầng GTĐB, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện GTĐB, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về GTĐB.

“So với Luật GTĐB năm 2008, dự luật này sẽ không còn quy định về đăng ký, cấp thu hồi biển số phương tiện GTĐB; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về GTĐB…” - Bộ GTVT cho biết.

Quan điểm của Bộ GTVT, Bộ Tư pháp

Liên quan đến hai phương án Chính phủ đề nghị Bộ Công an chủ trì thuyết minh, Bộ GTVT thống nhất với chỉ đạo của Chính phủ, để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1.

Còn Bộ Tư pháp cho biết tại Nghị quyết 123, Chính phủ thống nhất việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX vào Luật Bảo đảm TTATGTĐB nên cơ quan này đồng ý thống nhất để Bộ Công an thể hiện phương án này tại Luật Bảo đảm TTATGTĐB nhưng phải thuyết minh hai phương án trong tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội.

Tại Nghị quyết 123 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật diễn ra vào trung tuần tháng 8. Chính phủ thống nhất tách Luật GTĐB ra thành hai dự án luật. Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an chuẩn bị nội dung dự án Luật Bảo đảm TTATGTĐB, Bộ GTVT chuẩn bị nội dung dự án Luật GTĐB sửa đổi để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 48, dự kiến vào tháng 9 này. Sau đó, hai dự luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp Quốc hội dự kiến vào tháng 10. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm