Bị cấm vào đường cao tốc, chủ xe có thể kiện VEC

Về việc hai phương tiện bị ra thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn ở tất cả tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, cần đánh giá một cách toàn diện vấn đề pháp lý sau đây:

Doanh nghiệp không được khước từ cung cấp dịch vụ

Quyền cấm các phương tiện tham gia lưu thông thuộc về chủ thể nào? Việc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) ra thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn hai phương tiện ô tô nêu trên là chưa đảm bảo quy định về quyền tự do đi lại của công dân theo Hiến pháp 2013. Quyền tự do đi lại là quyền cơ bản của công dân, quyền này chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong những trường hợp cần thiết (Điều 14 Hiến pháp năm 2013).

Như vậy, chỉ có các văn bản luật hoặc các văn bản dưới luật (trong trường hợp văn bản luật có quy định cho phép các văn bản dưới luật được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong luật) mới có quyền quy định việc cấm đoán hoặc hạn chế việc lưu thông trên đường.

Do đó, không có bất kỳ chủ thể nào ngoài các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền quy định về việc hạn chế lưu thông như trên, kể cả các doanh nghiệp (DN) là nhà đầu tư đối với các dự án giao thông đường bộ. Theo quy định tại Điều 53 Nghị định 63/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, DN dự án không được sử dụng quyền kinh doanh công trình để khước từ cung cấp dịch vụ cho các đối tượng sử dụng.

Một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC quản lý, vận hành. Ảnh: HOÀNG GIANG

việc từ chối phục vụ vĩnh viễn chưa đảm bảo tính pháp lý

Như đã phân tích ở trên, DN không có quyền quy định hạn chế việc tham gia lưu thông của hai ô tô. Vì các quyết định này chưa đảm bảo tính pháp lý và chỉ là văn bản cá biệt của DN nên cần phải được sửa đổi hoặc bãi bỏ bởi chính DN, cụ thể là hội đồng thành viên của DN này.

Hiện nay các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế, chưa điều chỉnh hết các hành vi sai trái, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông, khai thác bình thường của các dự án giao thông đường bộ nên các nhà đầu tư đã tự ban hành các văn bản riêng nhằm góp phần đảm bảo các phương tiện lưu thông trên cao tốc được an toàn hơn. Tuy nhiên, các văn bản cá biệt của DN không thể trái luật và vượt quá chức năng, nhiệm vụ của một DN.

Chủ sở hữu hai ô tô và doanh nghiệp phải làm gì?

Dịch vụ được VEC quản lý, khai thác tại công trình dự án là một loại dịch vụ mang tính công cộng trong hoạt động kinh doanh. VEC E đã từ chối phục vụ cho các khách hàng là hai chủ xe nêu trên, do vậy đây chỉ là một dạng tranh chấp trong quan hệ dân sự-thương mại nên các chủ xe có thể khởi kiện vụ án dân sự đến tòa án có thẩm quyền hoặc trọng tài thương mại (nếu các bên có thỏa thuận trọng tài).

Giả sử những người điều khiển phương tiện có các hành vi như dừng đỗ, hành hung nhân viên, đi ngược chiều trên cao tốc…, khi đó nhà đầu tư phải ghi nhận vụ việc và báo ngay cho các lực lượng CSGT, thanh tra GTVT có thẩm quyền để tiến hành các biện pháp xử phạt theo đúng quy định của Nghị định 46/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Nếu người điều khiển phương tiện có hành vi gây rối, đe dọa, hành hung nhân viên trạm thu phí, nhà đầu tư phải báo ngay cho trưởng công an cấp xã, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để tiến hành các biện pháp xử lý về hành chính, hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để khởi tố vụ án nếu có dấu hiệu tội phạm.

Nếu người điều khiển phương tiện có các hành vi sai trái dẫn đến ùn tắc giao thông, gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của DN thì nhà đầu tư có thể khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Blds. Các thiệt hại có thể chứng minh như lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại, thiệt hại do uy tín DN bị xâm phạm…

Tóm lại, trong quá trình kinh doanh công trình, DN dự án có trách nhiệm đối xử bình đẳng, không được sử dụng quyền kinh doanh công trình để khước từ cung cấp dịch vụ cho các đối tượng sử dụng. Trường hợp nếu người sử dụng dịch vụ của dự án có các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, kinh doanh bình thường tại dự án thì nhà đầu tư phải tiến hành các bước xử lý theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư không được ban hành các văn bản hạn chế, cấm đoán quyền sử dụng dịch vụ của khách hàng. Bởi quyết định của nhà đầu tư chỉ là quyết định mang tính cá biệt, nội bộ, không có tính pháp lý bắt buộc áp dụng đối với các chủ thể khác.

Sẽ rút nếu có ý kiến của tổng cục đường bộ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc VEC E, cho biết: Đơn vị đã quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với hai phương tiện có biển số 51A-558.50 và 51G-772.56 trên tất cả tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác. Nguyên nhân là trước đó hai phương tiện này đã có hành vi cố tình dừng xe ở trước trạm thu phí, không thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên trạm, gây ùn tắc tại trạm, làm mất trật tự an ninh tại khu vực.

Còn về hành vi gây rối, phá tài sản, bà Phương cho hay VEC E đã thông báo tới công an địa phương để xử lý. Tuy nhiên, đại diện Phòng CSGT Đồng Nai cho biết trong các trường hợp vi phạm hay xảy ra ùn tắc, cản trở giao thông trên cao tốc thuộc Cục CSGT xử lý, địa phương chỉ hỗ trợ khi phía công ty đề nghị, yêu cầu hỗ trợ.

Bà Phương cũng cho biết: “Công ty đã báo cáo Tổng cục Đường bộ và chưa có văn bản phản hồi từ Tổng cục. Khi nào có quyết định của Tổng cục yêu cầu thu hồi quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn hai phương tiện nêu trên thì công ty sẽ thực hiện”.

VŨ HỘI

Ý KIẾN CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Hiện VEC đang làm báo cáo cho đơn vị. Tuy nhiên, qua trao đổi điện thoại với lãnh đạo VEC, được biết VEC chưa ra quyết định dừng tiếp nhận vĩnh viễn hai phương tiện vào đường cao tốc do VEC quản lý, vận hành. Đây mới là đề xuất của VEC E.

Lãnh đạo VEC cũng thừa nhận việc cấm vĩnh viễn hai xe ô tô của VEC E là không có cơ sở pháp lý. Theo đó, VEC sẽ hướng dẫn VEC E phối hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành xử phạt hành chính đối với lỗi của hai xe này theo đúng quy định của pháp luật…

Ông LÊ HỒNG ĐIỆP, Vụ trưởng Vụ Quản lý-bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam):

Đơn vị đang yêu cầu VEC báo cáo chính thức về việc ngưng tiếp nhận vĩnh viễn hai phương tiện vào đường cao tốc do VEC quản lý, vận hành. Sau khi VEC báo cáo, đơn vị sẽ xem các tình tiết cụ thể.

hiện nay, đối với xe chở quá tải có quy định được từ chối phục vụ vì phá hỏng kết cấu hạ tầng giao thông. Nhưng việc từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với các phương tiện đi vào cao tốc vì có hành vi vi phạm thì hiện chưa có quy định nào… Hơn nữa, không có luật nào xử lý phương tiện mà chỉ có thể xử lý hành vi vi phạm đối với đối tượng sử dụng phương tiện và chủ phương tiện, bởi tài sản được dịch chuyển và có thể mua bán theo quy định pháp luật. Lỗi không bao giờ thuộc về tài sản. Và việc cấm lưu hành thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT và chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Ông MAI TUẤN ANH, Chủ tịch HĐTV VEC:

Thời gian qua, các quy định pháp luật liên quan đến việc quản lý, khai thác trên các tuyến cao tốc còn hạn chế. Trong quá trình vận hành, khai thác, VEC nhận ra những hành vi phát sinh chưa được cụ thể hóa bằng luật. Bên cạnh đó, các hành vi như dừng đỗ, hành hung nhân viên, đi ngược chiều trên cao tốc… gây nguy hiểm đến tính mạng người khác nên có đưa ra một số nội quy nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Theo đó, ngoài nhắc nhở, VEC đưa ra các biện pháp xử phạt, nặng nhất là từ chối phục vụ phương tiện vi phạm. Mục tiêu là tăng cường ý thức cho người dân, đảm bảo các phương tiện lưu thông trên cao tốc được an toàn.

VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm