Bay thẳng tới Mỹ, cơ hội và thách thức nào cho các hãng bay?

Chiều ngày 15-2, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho Cục Hàng không Việt Nam.

Bước đệm lớn cho Việt Nam

Phát biểu tại lễ trao chứng nhận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng việc nhận CAT 1 từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ là một sự kiện lớn đối với ngành hàng không Việt Nam. Sự kiện cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hợp tác hàng không giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho Cục Hàng không Việt Nam. Ảnh: T. HẢO

Theo Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink, chứng nhận CAT 1 đồng nghĩa với việc FAA đánh giá Cục Hàng không Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn của hàng không quốc tế và Mỹ về giám sát an toàn. Đây là một thành tựu quan trọng và là kết quả nhiều năm làm việc tích cực của Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết tiêu chuẩn CAT 1 của Cục Hàng không Liên bang Mỹ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thứ nhất, đây là điều kiện bắt buộc cho các hãng hàng không của mỗi quốc gia muốn mở đường bay đến Mỹ. Cụ thể, nhà chức trách hàng không quốc gia đó phải được Cục Hàng không Liên bang Mỹ đánh giá đạt tiêu chuẩn CAT 1.

Thứ hai, CAT 1 rất quan trọng đối với các Hãng hàng không của mỗi quốc gia trong quá trình hợp tác với các Hãng hàng không của Mỹ. Bởi nếu quốc gia đó chưa được công nhận CAT 1 thì các hợp tác liên danh (code – sharing) với các hãng hàng không của Mỹ chỉ được thực hiện trên các chuyến bay của các hãng hàng không của Mỹ. Trong khi đó, một quốc gia đạt tiêu chuẩn CAT 1 thì các hãng hàng không của quốc gia đó có quyền liên danh với các hãng hàng không của Mỹ trên các chuyến bay.

“Bên cạnh đó, vị thế, uy tín trong lĩnh vực hàng không của quốc gia đó được nâng lên rất cao…”, ông Thắng khẳng định.

Người đứng đầu ngành hàng không cũng cho biết hiện nay hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã nghiên cứu từ lâu và có kế hoạch xúc tiến bay thẳng đến Mỹ. Cục Hàng không Việt Nam cũng hỗ trợ tích cực Vietnam Airlines trong vấn đề này.

Bên cạnh đó, hãng hàng không Bamboo Airways, một hãng hàng không mới nhưng cũng có tham vọng bay thẳng tới Mỹ. Đồng thời, Vietjet Air cũng có kế hoạch mua máy bay tầm xa để nghiên cứu mở đường bay tới Mỹ.

Đối với thị trường hàng không Mỹ, Cục hàng không Việt Nam đánh giá đây là thị trường hết sức tiềm năng nhưng khó tính, nhưng việc mở đường bay tới Mỹ sớm hay muộn cũng phải làm. Các hãng hàng không Việt Nam nếu có sự chuẩn bị tốt sẽ đạt được những thành công tại thị trường này.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng việc mở đường bay tới Mỹ sẽ có nhiều thách thức đối với các hãng bay của Việt Nam. Thứ nhất là việc đầu tư đội tàu bay tầm xa phù hợp bay tới Mỹ rất tốn kém. Thứ hai, hàng không là thị trường khốc liệt khi rất nhiều hãng hàng không của các nước đã thực hiện bay tới Mỹ và cũng có nhiều hãng của Mỹ khai thác đường bay từ Mỹ đi các nước. Vì vậy, yếu tố thị trường các hãng hàng không cần phải hết sức quan tâm.

Cục Hàng không Việt nam cho rằng thời gian đầu nếu khai thác các đường bay thẳng tới Mỹ thì sẽ chịu lỗ nhưng dự đoán về lâu dài thì đường bay này sẽ hiệu quả.

“Thách thức lớn thứ ba mà các hãng hàng không Việt Nam cần lưu ý đó là qua quá trình đánh giá, khảo sát và trao đổi với các hãng hàng không cũng như kinh nghiệm cho thấy hệ thống tư pháp của Mỹ hết sức phức tạp, vì vậy các hãng hàng không Việt Nam cần lưu ý khi mở đường bay tới Mỹ…”, ông Thắng nhấn mạnh.

2022 mới có loại máy bay bay thẳng

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết với Vietnam Airlines, doanh nghiệp đã mở văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ từ năm 2001. Trong 10 năm qua, Vietnam Airlines đã chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật và thương mại cho việc mở đường bay tới Mỹ. Mặc dù chưa có đường bay thẳng nhưng từ năm 1996 Vietnam Airlines đã có hợp tác với các hãng hàng không để nối chuyến và có các sản phẩm trên các đường bay tới Mỹ.

“Là Hãng hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines xem việc mở đường bay tới Mỹ là nhiệm vụ chính trị nên được nghiên cứu từ nhiều năm nay. Việc khả thi về mặt thương mại phụ thuộc nhiều về kỹ thuật máy bay. Hiện chưa có loại máy bay nào bay thẳng mà chở đủ tải khách và hàng từ Việt Nam tới Mỹ”, ông Dương Trí Thành cho hay.

Ông Dương Trí Thành cho biết kế hoạch của Vietnam Airlines là sớm nhất đến năm 2022 mới có loại máy bay đủ khả năng bay thẳng tới Mỹ. Vì vậy, từ giờ tới thời điểm có máy bay làm thương mại khả thi hơn, kế hoạch của Vietnam Airlines là tiếp tục mở rộng nối chuyến và liên danh với các hãng hàng không Mỹ.

Trong giai đoạn chưa có máy bay bay thẳng đủ tải đến Mỹ nếu hiệu quả khai thác nằm trong phạm vi hệ thống đường bay của hãng có thể bù trừ cho nhau, Vietnam Airlines sẽ khai thác trực tiếp tới Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm