6 tiếng tranh cãi căng thẳng vì Uber, Grab

Uber, Grab thuộc loại hình vận tải gì; Nhà nước phải làm sao để các loại hình taxi cạnh tranh công bằng; trách nhiệm của Uber, Grab đến đâu khi khách hàng gặp sự cố… Đó là các vấn đề được đặt ra tại hội nghị tổng kết hai năm triển khai thực hiện Quyết định 24/2016 về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, do Bộ GTVT tổ chức chiều 19-12. Tuy nhiên, sau hội nghị khá căng thẳng này, các vấn đề trên gần như vẫn còn bỏ ngỏ.

Tiếp tục tranh cãi Uber, Grab là… gì?

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ mở đầu bằng việc khẳng định sẽ lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp (DN) nhằm giúp bộ quản lý taxi truyền thống và loại hình Uber, Grab có sự bình đẳng.

Đại diện các sở GTVT Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa thừa nhận Uber, Grab ra đời giúp đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, minh bạch về giá cước, giảm xe chạy rỗng trên đường, từ đó giảm ùn tắc giao thông… Tuy nhiên, các sở GTVT đều khẳng định có một số bất cập của loại hình này đó là: số xe dưới chín chỗ vượt quy hoạch; đại diện Uber, Grab không tuân thủ luật pháp Việt Nam; không thông báo giá cước đến Sở GTVT.

Từ những phân tích trên, các sở GTVT đều kiến nghị Bộ GTVT phải xác định Uber, Grab là loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi. Theo đó, Uber, Grab phải chịu các điều kiện kinh doanh giống taxi truyền thống. “Hiện Uber, Grab hoạt động không khác gì một DN taxi. Cụ thể, họ tuyển lái xe, hưởng lợi nhuận 20%... Ngoài ra, trong các văn bản họ cũng thừa nhận mình là DN taxi. Nên sắp tới Bộ GTVT cần ban hành quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đối với loại hình này tương tự taxi để tạo sự bình đẳng giữa các loại hình vận tải” - ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, kiến nghị.

Hội nghị kéo dài bảy tiếng đồng hồ với những tranh luận “nóng” về quản lý giữa taxi truyền thống với Uber, Grab .  Ảnh: VIẾT LONG

Tuy nhiên, đối với vấn đề này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), lại khẳng định việc thí điểm này thực chất là thí điểm hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng giấy. Việc triển khai thí điểm này giúp các đối tác thuận tiện hơn (không cần gặp nhau để ký hợp đồng), giảm chi phí cho xã hội, nâng cao năng suất lao động. “Uber, Grab chỉ là đơn vị trung gian giữa hợp tác xã và hành khách. Bên cạnh đó họ không hề sở hữu một chiếc xe nào nên không thể nói Uber, Grab là taxi được” - ông Ngọc nhấn mạnh.

Về việc Uber, Grab không cần niêm yết, khai báo giá, ông Ngọc lý giải là do loại hình Uber, Grab thuộc xe hợp đồng, giá được công khai, nếu hành khách đồng ý với mức giá trên thì nhấn nút ký hợp đồng còn không thì từ chối. Trong khi taxi truyền thống đi theo kilomet...

Hội nghị kết thúc với cam kết của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: sắp tới, khi sửa nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô và Luật Giao thông đường bộ, đơn vị sẽ nghiên cứu để quản lý Uber, Grab tốt hơn. Trong đó có những điều kiện ràng buộc để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch giữa taxi truyền thống và Uber, Grab. 

Kiến nghị siết quản lý Uber, Grab

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, cho rằng Bộ GTVT cần có thêm chế tài đối với loại hình Uber, Grab trong việc không chấp hành các quy định pháp luật Việt Nam. Như vừa qua nhiều sở GTVT cấm Uber, Grab hoạt động. Đặc biệt, Bộ GTVT có công văn cấm dịch vụ đi xe chung của Grab nhưng họ vẫn triển khai.

Sở GTVT TP.HCM kiến nghị cần bổ sung các quy định, điều kiện để quản lý đối với các đơn vị cung cấp phần mềm điện tử như Uber, Grab. Bên cạnh đó, đưa loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng dưới chín chỗ ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý. Trong đó quy định cụ thể các điều kiện kinh doanh vận tải nhằm phù hợp với thực tế quản lý hoạt động vận tải hiện nay. “Hiện nay TP.HCM cũng đang gặp khó trong việc quy hoạch phương tiện vì không xác định được loại hình Uber, Grab. Bên cạnh đó, cần đưa loại hình Uber, Grab vào sân chơi chung, tránh trường hợp độc quyền về chính sách” - đại diện Sở GTVT TP.HCM nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Dần, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, đề nghị Bộ GTVT dừng ngay hoạt động của Uber, Grab, không cho phát triển thêm. Khi nào hệ thống pháp luật hoàn thiện thì tính tiếp.

Để kiểm soát thuế, đại diện Bộ Tài chính kiến nghị sắp tới Uber, Grab phải thành lập cơ quan đại diện pháp nhân tại Việt Nam. Theo đó, sẽ thống nhất về hình thức thu thuế, bảo hiểm cho hành khách và trách nhiệm của các bên.

Diễn biến xung đột taxi truyền thống với Grab, Uber

- Ngày 7-1-2016, Bộ GTVT có Quyết định 24/2016 ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Công tác thí điểm được triển khai tại năm tỉnh, TP gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh trong vòng hai năm.

- Tháng 8-2017, website của Công ty Uber Việt Nam xuất hiện thông tin sẽ thử nghiệm ứng dụng này để gọi xe tại Đà Nẵng. Ngay sau đó, Sở GTVT TP Đà Nẵng yêu cầu Uber Việt Nam chưa được triển khai thử nghiệm ứng dụng tại đây. Trước đó, TP Đà Nẵng cũng đã từ chối triển khai thí điểm ứng dụng Grabcar.

- Ngày 17-9-2017, Grab Việt Nam thông báo triển khai dịch vụ Grabtaxi tại Khánh Hòa. Ngày 29-9-2017, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa yêu cầu công ty này dừng triển khai trái phép dịch vụ Grabtaxi trên địa bàn tỉnh.

- Ngày 29-9-2017, Hiệp hội Taxi Hà Nội có văn bản gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan kiến nghị dừng khẩn cấp Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT.

- Ngày 7 và 8-10-2017, nhiều người dân TP.HCM, Hà Nội bất ngờ khi thấy nhiều taxi hãng Vinasun dán khẩu hiệu phản đối xe Grab, Uber sau đuôi xe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm