300.000 tỉ đồng làm hạ tầng giao thông ở TP phía đông

Sở GTVT TP.HCM cho biết có bốn nhóm dự án cần được tập trung phát triển ở khu đông TP (TP Thủ Đức tương lai) từ nay đến năm 2030. Bốn nhóm này gồm: Chương trình đô thị thông minh; hạ tầng đường bộ, metro, xe buýt nhanh (BRT), đường thủy; bến bãi và vận tải công cộng.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến hơn 300.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP hơn 83.000 tỉ đồng, còn lại là từ các nguồn khác như trung ương, xã hội hóa, ODA...

Thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thông tin trong kế hoạch xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông, UBND TP.HCM đã ban hành những nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thành lập trung tâm thông tin giao thông đô thị; xây dựng hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu; phát triển hỗ trợ giao thông công cộng để từng bước phát triển; lập quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho khu đông TP phù hợp theo định hướng đô thị sáng tạo.

Đối với nhóm giải pháp phát triển theo hướng đô thị thông minh, theo ông Bằng, khu đông sẽ được đầu tư hệ thống camera giám sát thông minh, hệ thống đèn tín hiệu giao thông, hệ thống thu thập - phân tích dữ liệu giao thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo… Những hệ thống này tích hợp về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị của TP để quản lý với mục đích giảm ùn tắc và tương lai hình thành giao thông hiện đại.

Đối với công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phía đông, ông Bằng cho hay Sở GTVT đang phối hợp rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch. Cụ thể, sở sẽ cập nhật quy mô, hướng tuyến, tiêu chuẩn một số tuyến đường quan trọng; bổ sung quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái; bổ sung quy hoạch kết nối đường Long Phước với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là một trong các dự án trọng điểm trong chương trình phát triển hệ thống giao thông phía đông TP. Ảnh: ĐÀO TRANG

Trên cơ sở Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2030, sở sẽ xem xét, ưu tiên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải khu đô thị sáng tạo phía đông gồm: Kết nối liên vùng, đầu tư khép kín đường vành đai 2, vành đai 3; kết nối các khu chức năng hoàn chỉnh mạng lưới đường liên khu vực gồm Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh, đường liên cảng…

Ông Bằng cho hay Sở GTVT đang tập trung nghiên cứu phát triển các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro và các tuyến đường sắt quốc gia: Tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành... Đồng thời phát triển vận tải hàng hóa logistics, cảng biển và ICD tại Cát Lái, Phú Hữu, Long Bình; trung tâm vận tải tại Long Trường, Trường Thạnh.

Đối với nhóm giải pháp vận tải hành khách công cộng: Sở GTVT sẽ mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt. Giai đoạn 2020-2021, nghiên cứu mở mới 14 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Sở cũng sẽ tiến hành nghiên cứu, đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông thủy. Trong đó, hoàn chỉnh đầu tư giao thông đường bộ kết nối hạ tầng với hệ thống cảng biển Cát Lái trên sông Đồng Nai để khai thác tối đa năng lực hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng.

Xác định dự án cần đầu tư

Để hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực, ông Phan Công Bằng, cho biết 16 dự án đường bộ ở khu đông chưa hoàn thành giai đoạn 2016-2020 là nhóm cần ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021- 2025. Các dự án này gồm: Tuyến vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa); mở rộng xa lộ Hà Nội, đường Lương Định Của, Đồng Văn Cống; xây dựng nút giao Mỹ Thủy; xây dựng cầu Tăng Long, Nam Lý; nâng cấp cầu Long Đại, cầu Ông Nhiêu; mở rộng đường song hành cao tốc Đỗ Xuân Hợp - An Phú…

Giai đoạn 2021-2025, các công trình trọng điểm được ưu tiên đầu tư ở khu đông TP là khép kín hai đoạn vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến ngã tư Bình Thái và từ Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng); xây hai cầu trên đường N2 và N4 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; làm nút giao An Phú.

Giai đoạn 2025-2030, một số dự án sẽ được nghiên cứu, đầu tư và đầu tư xây dựng gồm: Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cầu Bình Quới, cầu Bình Quới - Rạch Chiếc; tuyến metro số 2 giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Bến xe Tham Lương - Tây Ninh), tuyến metro số 3b (ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Phước), tuyến BRT số 4 từ Kha Vạn Cân đi Công viên Chiến Thắng…

Cần có một bản quy hoạch hoàn chỉnh

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, TP phía đông rất cần có một bản quy hoạch hoàn chỉnh, chi tiết giải quyết ba vấn đề cốt lõi gồm: Trung tâm đô thị nằm ở đâu; hệ thống giao thông riêng, giao thông kết nối đô thị như thế nào và việc quy hoạch đô thị mới phải là động lực để chỉnh trang khu đô thị hiện hữu.

Khi TP xây dựng đô thị mới thì cần chú ý tính toán xây dựng các dự án, công trình làm sao thoát khỏi cảnh kẹt xe, ngập nước, phát triển thương mại, du lịch, kích cầu phát triển kinh tế. Từ đó tạo động lực cho các khu lân cận cùng phát triển.

Những việc này phải làm tốt để vừa thu hút được nhà đầu tư và vừa bảo đảm lợi ích cho người dân về hạ tầng, tiện ích công cộng, môi trường và tránh cả nguy cơ TP phía đông có thể trở thành ốc đảo nuôi dưỡng lợi ích bất động sản.

“Xây dựng giao thông phía đông thực sự cần thiết và cần phải làm ngay, song giao thông cần phải nằm trong tổng thể quy hoạch xây dựng đô thị để tạo sự đồng nhất, hoàn chỉnh” - kiến trúc sư Nam Sơn góp ý. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm