238 nhân viên từ Trung Quốc về sẽ vận hành metro

“Ban Quản lý dự án đường sắt vẫn đang quyết liệt chỉ đạo nhà thầu khẩn trương triển khai thực hiện các hạng mục còn lại của dự án đường sắt đô thị (metro) trên cao Cát Linh-Hà Đông. Mặc dù còn khó khăn nhưng chúng tôi xin tái khẳng định  là không lùi các mục tiêu đã đặt ra đối với dự án”. Ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT, nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Cần 55 lái tàu cho dự án

. Phóng viên: Theo kế hoạch, đến tháng 10-2017 sẽ vận hành thử đoàn tàu, hiện công việc này đang được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

+ Ông Lê Kim Thành: Vận hành chạy thử là khâu quan trọng nhằm đánh giá sự ổn định của toàn hệ thống trước khi đưa đoàn tàu vào khai thác chính thức. Theo hiệp định giữa chính phủ hai nước, tổng thầu EPC (Trung Quốc) phải xây dựng phương án, kế hoạch vận hành chạy thử đoàn tàu. Hiện tổng thầu đang khẩn trương xây dựng các công việc cần phải làm để chạy thử. Ngoài ra, do hệ thống đường sắt đô thị lần đầu được thực hiện tại Việt Nam, chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc khai thác, vận hành nên Bộ GTVT đã chỉ đạo đơn vị thành lập tổ chuẩn bị cho công tác vận hành, khai thác dự án. Tổ có nhiệm vụ nghiên cứu các quy định hiện hành tại Việt Nam về đường sắt đô thị nhằm hoàn thiện phương án, kế hoạch chạy thử, chạy thương mại.

. Để vận hành toàn tuyến Cát Linh-Hà Đông cần bao nhiêu lái tàu, công tác đào tạo tới đâu?

+ Tổng số lái tàu của dự án là 55 người. Theo hợp đồng, nhà thầu Trung Quốc có trách nhiệm đào tạo, chuyển giao công nghệ. Hiện toàn bộ 55 lái tàu đã được tuyển dụng đủ và hoàn thành công tác đào tạo, đáp ứng yêu cầu. Theo tính toán trên sơ đồ vận hành, giai đoạn đầu khi đưa dự án vào khai thác, số lái tàu cần thiết cho giai đoạn này là 37 người. Các lái tàu này đã được đào tạo lý thuyết, thực hành tại Trung Quốc với thời gian 315 ngày. Đồng thời họ được thực hành trên các tuyến đường sắt đô thị tại Bắc Kinh dưới sự hướng dẫn của các giáo viên và lái tàu Trung Quốc. 18 lái tàu còn lại được đào tạo lý thuyết tại Việt Nam trong 40 ngày. Sau khi đưa dự án vào khai thác, 18 lái tàu này sẽ được các lái tàu đã được đào tạo tại Trung Quốc hướng dẫn thực hành.

Đầu tàu Cát Linh-Hà Đông có hình vát, gần với hình dạng khí động học hiện đại. Ảnh: VIẾT LONG

Phục vụ 18 tiếng/ngày

. Ngoài lái tàu, để vận hành toàn bộ dự án đường sắt dài 13 km này cần bao nhiêu nhân viên, lao động khác?

+ Theo quy chuẩn quốc gia của Trung Quốc (GB 50157 - 2003) về quy phạm thiết kế metro thì việc bố trí nhân sự vận hành tuyến metro bình quân khoảng 100 người/km. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí nên chúng tôi tính toán để vận hành dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13 km cần tối thiểu 681 nhân sự phục vụ. Trong số này có 30 nhân viên tuyển dụng không qua đào tạo và qua đào tạo là 651 người (đào tạo tại Trung Quốc 201 người, Việt Nam 450 người).

Ngoài ra còn chưa kể đến việc khi đưa dự án vào vận hành, khai thác, công ty cần phải tuyển dụng thêm các nhân viên bảo vệ, dọn vệ sinh… Cũng xin lưu ý rằng tuyến đường sắt khi đưa vào khai thác sẽ phục vụ hành khách tới 18 tiếng/ngày, tương đương khoảng 2,5 ca chứ không phải chỉ một ca như các công việc hành chính thông thường.

. Sau khi lấy ý kiến góp ý về mẫu tàu, đơn vị đã phải điều chỉnh những gì, thưa ông?

+ Sau khi trưng bày tại thủ đô, từ 29-10-2015 đến 31-11-2015, để lấy ý kiến góp ý của người dân và các chuyên gia, UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT đã họp với tổng thầu có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực đầu máy toa xe để thống nhất phương án nội thất, ngoại thất đoàn tàu. Cụ thể, đối với ngoại thất đoàn tàu giữ nguyên màu sắc chủ đạo là màu xanh lá cây. Đầu tàu được lựa chọn có hình vát, gần với hình dạng khí động học hiện đại. Kính chắn gió, kính cửa sổ tối màu, cửa sổ ẩn tạo dáng vẻ hiện đại, sang trọng, phù hợp với phong cách, bản sắc văn hóa của thủ đô văn hiến. Bên cạnh đó, tăng kích thước của biểu tượng Khuê Văn Các và làm đậm nét chữ Cát Linh-Hà Đông.

. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ được chuyển giao cho đơn vị nào khai thác, quản lý?

+ Sau khi dự án hoàn thành chạy thử sẽ được bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (thuộc UBND TP Hà Nội) quản lý, khai thác.

. Xin cám ơn ông.

VIẾT LONG

. Có thông tin cho rằng dự án đang hết vốn?

+ Ông Lê Kim Thành: Như chúng ta đã biết, dự án được thực hiện từ nguồn vốn vay của Trung Quốc thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Để tiếp tục giải ngân cho dự án thì trước hết cần phải gia hạn hiệp định tín dụng ưu đãi bên mua và ký kết hiệp định ưu đãi bổ sung. Việc chưa ký kết hai hiệp định trên chắc chắn tác động đến thực hiện dự án. Hiện chúng tôi đang chỉ đạo tổng thầu và các đơn vị thầu phụ huy động nguồn lực tài chính tự có để thực hiện, tuy nhiên gặp rất nhiều khó khăn. Hiện các cơ quan phía Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán để ký kết hai hiệp định này.

Chúng tôi hy vọng sẽ “chốt” hai thỏa thuận trên trong tháng 3, từ đó có điều kiện giải ngân, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông gồm 13 đoàn tàu (52 toa) theo chuẩn B1, là loại tàu dùng cho đường sắt đô thị nhẹ (light rail). Tàu do Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh sản xuất, sức chở tối đa 1.362 người/đoàn tàu, tốc độ tối đa 80 km/giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm