170.000 xe lắp camera để công an theo dõi tài xế

Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-4 tới. Nghị định này quy định ô tô từ chín chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả tài xế và cửa lên xuống xe).

Xử lý tài xế vi phạm quy định

Theo đó, hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền với tần suất truyền từ 12 đến 20 lần/giờ (tương đương 3-5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và truyền về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gồm Công an giao thông, Sở GTVT, Tổng cục Đường bộ, Thanh tra giao thông… theo quy định của Bộ GTVT.

Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau: Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết việc lắp đặt camera này là nhằm theo dõi, giám sát, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm quy định pháp luật của tài xế trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể, camera sẽ ghi lại cảnh tài xế ngủ gật hoặc mất tập trung khi lái xe, sử dụng điện thoại khi lái xe, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, lái xe quá thời gian quy định, các tình huống bất thường khác…

“Qua đó, các đơn vị kinh doanh vận tải kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, ngăn ngừa tài xế vi phạm. Đồng thời, giúp cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm của người lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải. Từ đó, nâng cao chất lượng dịch vụ của hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự trong lĩnh vực vận tải ô tô…” - lãnh đạo Bộ GTVT lý giải.

Từ ngày 1-7, các ô tô từ chín chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Nên thí điểm tại một số địa phương”

Về vấn đề trên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng quy định lắp camera đối với xe kinh doanh vận tải từ chín chỗ trở lên trong Nghị định 10 chưa chi tiết, cụ thể. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải vẫn gặp khó khăn trong việc xác định loại camera đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong Nghị định 10/2020.

“Ví dụ, hiện nay một số doanh nghiệp vận tải lắp camera trên xe nhằm phục vụ quản lý nội bộ doanh nghiệp, như đếm khách lên, xuống. Trong khi đó, Nghị định 10/2020 quy định hình ảnh phải ghi nhận được tài xế và cửa lên xuống xe… nên doanh nghiệp vẫn còn loay hoay không biết chọn loại camera nào, giá cả và công nghệ như thế nào để đáp ứng yêu cầu quản lý vận tải” - ông Quyền nhận định.

Cũng theo ông Quyền, vị trí lắp đặt camera, việc lưu trữ hình ảnh như thế nào hiện nay các đơn vị kinh doanh vận tải chưa có kinh nghiệm.

Trước tình hình trên, ông Quyền cho biết đơn vị đang phối hợp với Bộ GTVT xây dựng thông tư hướng dẫn Nghị định 10/2020. Trong đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật đối với camera; quy định rõ camera phải ghi nhận được những vi phạm gì trên xe. Đồng thời, cần phải có chế tài xử phạt để các dữ liệu không bị làm sai lệch, xóa dữ liệu.

“Đặc biệt, Bộ GTVT cần phải xác định rõ căn cứ pháp luật nào để xử phạt các doanh nghiệp vi phạm. Những quy định này phải được cụ thể hóa trong thông tư hướng dẫn nhằm giúp doanh nghiệp dễ triển khai thực hiện…” - ông Quyền cho hay.

Bên cạnh đó, ông Quyền cũng cho rằng để triển khai lắp camera trên, trước mắt Bộ GTVT nên thí điểm tại một số địa phương để rút kinh nghiệm, sau đó mới triển khai trên toàn quốc. “Việc thí điểm này phải được tổ chức càng sớm càng tốt nhằm hoàn thiện thể chế, đúc rút kinh nghiệm để triển khai đại trà, tránh lãng phí…” - ông Quyền nêu quan điểm.

Đại diện một đơn vị kinh doanh vận tải ở Hà Nội cũng đồng tình với ý kiến của chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Đồng thời, vị đại diện này cho rằng hiện nay loại camera đơn vị kinh doanh vận tải lắp đặt chủ yếu phục vụ quản lý nội bộ: “Nên cần phải có quy định chi tiết để chúng tôi biết triển khai. Bởi hiện nay loại camera như quy định của Nghị định 10 trên thị trường chưa nhiều…” - vị đại diện này cho hay.

Liên quan đến những vấn đề trên, Bộ GTVT cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan sẽ khẩn trương xây dựng và ban hành các thông tư, hướng dẫn triển khai thực hiện và sẽ tuyên truyền rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân biết để thực hiện và giám sát…” - Bộ GTVT cho hay.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng số xe dự kiến phải lắp camera theo Nghị định 10/2020 khoảng 170.000 xe (100.000 xe khách, 70.000 xe container và đầu kéo), số lượng camera dự kiến lắp trên xe bình quân là hai chiếc/xe.

Hiện Tổng cục Đường bộ đã xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư 63/2013 hướng dẫn về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô; quy định về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Chương 3 của dự thảo quy định hướng dẫn cụ thể về yêu cầu kỹ thuật và hướng dẫn lắp đặt camera trên ô tô. Quy định về cung cấp dữ liệu hình ảnh từ camera và hướng dẫn về quản lý, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên ô tô. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm