13.000 tỉ xây cầu, mở đường ‘giải cứu’ khu Nam TP.HCM

“UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho TP.HCM áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) 12 dự án do nhà đầu tư đề xuất, có tính khả thi cao, mang lại lợi ích cho xã hội, lợi ích cho Nhà nước. Tổng mức đầu tư dự kiến của 12 dự án này lên đến hơn 66.220 tỉ đồng. Ngoài ra, UBND TP còn kiến nghị được thực hiện dự án xây cầu qua đảo Kim Cương, quận 2 và dự án cầu vượt bằng thép tại vòng xoay Công trường Dân Chủ, giáp ranh giữa quận 3 và quận 10, theo lệnh khẩn cấp, cấp bách”. Ngày 16-4, một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết.

Hoàn thành tuyến tránh ven trung tâm

Theo Sở GTVT TP, trong số 12 dự án trong danh sách nêu trên có các dự án đầu tư khép kín đường Vành đai 2 (ba phân đoạn, tổng vốn hơn 13.000 tỉ đồng - PV) để hình thành được tuyến tránh cho các phương tiện giao thông không đi vào trung tâm TP, giảm áp lực giao thông đối với các tuyến đường hiện hữu. Đặc biệt, tạo hướng lưu thông kết nối khu vực cảng Cát Lái ra xa lộ Hà Nội để từ đó khắc phục ùn tắc giao thông khu vực phía Đông của TP.

Ngoài ra, theo quy hoạch thì TP.HCM có tổng cộng năm tuyến đường trên cao với tổng chiều dài gần 71 km, song đến nay chưa tuyến nào được đầu tư. Vì vậy, hiện nay các phương tiện lưu thông qua trung tâm, các tuyến trục, vành đai phải giao cắt với các tuyến đường giao thông đô thị đã dẫn đến thường xuyên ùn tắc. Trong số các dự án trên, một nhà đầu tư đã nghiên cứu, có báo cáo ban đầu về dự án đường trên cao số 1 (nối từ sân bay Tân Sơn Nhất về Thủ Thiêm, tổng vốn dự kiến khoảng 17.500 tỉ đồng - PV)…

“Thời gian qua, khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm TP, các cửa ngõ TP thường xuyên xảy ra ùn tắc làm ảnh hưởng lớn sự phát triển kinh tế-xã hội của TP và các tỉnh vùng phụ cận. Do vậy, việc hoàn thành nhanh các thủ tục để sớm triển khai đầu tư, hoàn thành các công trình, dự án nêu trên sẽ góp phần giải quyết, kéo giảm ùn tắc giao thông các khu vực này là hết sức cần thiết, cấp bách” - UBND TP kiến nghị.

Kẹt xe trên đường Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD

“Giải cứu” khu vực Phú Mỹ Hưng

Cũng theo Sở GTVT TP, trong danh mục các dự án trên có các dự án kết nối từ khu vực trung tâm hiện hữu với khu đô thị phía Nam, trong đó có khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Cụ thể, TP.HCM kiến nghị được áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để triển khai dự án cầu Thủ Thiêm 4 (tổng vốn đầu tư khoảng 5.254 tỉ đồng) kết nối từ quận 2 qua quận 7 tại đường Huỳnh Tấn Phát và đường Nguyễn Văn Linh; dự án mở rộng đường trục Bắc-Nam đoạn từ Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh… Theo Sở GTVT, đường trục Bắc-Nam đoạn từ Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh dài gần 3,8 km hiện nay thường xuyên diễn ra cảnh ùn tắc giao thông, đặc biệt là cầu kênh Tẻ nằm trên đoạn đường này. “Các khu dân cư đô thị trên địa bàn huyện Nhà Bè, quận 7 phát triển rất nhanh, đặc biệt là khu đô thị cảng Hiệp Phước. Việc này dẫn đến nhu cầu giao thông từ khu vực này vào trung tâm TP và ngược lại rất lớn đã gây ra ùn tắc thường xuyên trên trục đường này. Vì vậy, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng được sớm mở rộng đoạn này lên 40-60 m (8-10 làn xe) với tổng vốn đầu tư dự kiến 5.430 tỉ đồng” - Sở GTVT phân tích.

Chiều 16-4, đại diện Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) cho biết thêm IPC đã có nghiên cứu, đề xuất làm nhà đầu tư thực hiện việc mở rộng trục đường Bắc- Nam nêu trên. “Chúng tôi cũng được UBND TP chấp thuận làm chủ đầu tư xây dựng hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) nằm trên trục Bắc-Nam. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỉ đồng, sẽ chia làm hai giai đoạn và giai đoạn 1 sẽ xây hầm chui trước” - vị đại diện IPC chia sẻ thêm.

66.220 tỉ đồng cho 12 dự án

1. Dự án đường Vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (gồm nút giao Bình Thái) qua quận 9 dài 3,8 km. Tổng mức đầu tư hơn 5.730 tỉ đồng.

2. Dự án đường Vành đai 2 từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng qua quận 9, quận Thủ Đức dài 2 km. Tổng mức đầu tư 1.324 tỉ đồng.

3. Dự án đường Vành đai 2 từ nút giao An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh qua quận Bình Tân, quận 8 và huyện Bình Chánh. Đoạn này dài 5,3 km, tổng mức đầu tư 6.059 tỉ đồng.

4. Dự án đường trên cao số 1 qua quận Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh dài 9,5 km. Tổng mức đầu tư 17.500 tỉ đồng.

5. Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 qua TP.HCM (quận 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi) và tỉnh Tây Ninh dài hơn 58 km. Tổng mức đầu tư 6.500 tỉ đồng.

6. Dự án cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ dài 5,8 km (trong đó cầu dài 2,85 km). Tổng mức đầu tư 5.904 tỉ đồng.

7. Dự án đường trục Bắc-Nam từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh qua quận 4 và quận 7 dài hơn 3,7 km. Tổng mức đầu tư dự kiến 5.430 tỉ đồng.

8. Dự án đường trục Bắc-Nam từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu công nghiệp Hiệp Phước, qua quận 7, huyện Nhà Bè dài 7,5 km. Tổng mức đầu tư 4.000 tỉ đồng.

9. Dự án cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 với quận 7 dài gần 2,2 km, trong đó cầu dài gần 1,6 km. Tổng mức đầu tư 5.254 tỉ đồng.

10. Dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Tao Đàn, quận 1 chứa gần 2.000 ô tô và 900 xe máy. Tổng mức đầu tư 1.055 tỉ đồng.

11. Dự án nạo vét, khai thông tuyến rạch Ông Nhiêu trên địa bàn quận 2 và quận 9 dài gần 8,6 km. Tổng mức đầu tư 1.465 tỉ đồng.

12. Dự án trung tâm điều khiển và hệ thống giao thông đô thị thông minh gồm hệ thống điều khiển giao thông trên 3.800 con đường (dài 3.600 km) và 1.400 nút giao thông ở TP.HCM. Tổng mức đầu tư 6.000 tỉ đồng.

Xây cầu Thủ Thiêm 4 là rất cần thiết

“Việc đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 là rất cần thiết và cấp bách để giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, Thủ Đức qua phía các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè; giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô và tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động của các bến cảng trên địa bàn quận 4, quận 7. Dự án còn giúp kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm hiện hữu của TP và quận 4, quận 7, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị mới phía Nam” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thuyết trình trong văn bản kiến nghị. Theo đề xuất, dự án cầu Thủ Thiêm 4 dài khoảng 2.160 m, rộng sáu làn xe. Cầu có hai nhánh cầu dẫn phía bờ quận 7 sẽ đáp xuống đường Huỳnh Tấn Phát và đường Nguyễn Văn Linh ở trước nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2. Dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

_________________________________

Ngày 25-1, Văn phòng Chính phủ có thông báo truyền đạt kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM. Thông báo đồng ý về nguyên tắc cho TP.HCM triển khai một số công trình chống ùn tắc giao thông theo lệnh khẩn cấp. Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho phép UBND TP thống nhất với các bộ GTVT, Tư pháp, KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng và TN&MT nghiên cứu, đề xuất về việc ủy quyền cho TP.HCM quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm