Giám sát khiếu nại về thu hồi đất phức tạp

Trong hai ngày 27 và 28-7, tại TP Cần Thơ, Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Viện KAS của Đức tổ chức hội nghị giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã nêu vấn đề về trách nhiệm của hội đồng nhân dân (HĐND) trong việc phê duyệt dự án và phân tích các nguyên nhân dẫn đến việc người dân khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất.

Phải đặt lòng mình vào mỗi dự án cần thu hồi đất

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, thống kê của tỉnh Long An trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh có 11 nghị quyết của HĐND thu hồi đất để thực hiện 1.694 dự án. Như vậy, trung bình một nghị quyết là 154 dự án. Tỉnh Tiền Giang có 16 nghị quyết với 846 dự án, trung bình 53 dự án/nghị quyết. Tỉnh Lâm Đồng tám nghị quyết với 771 dự án, khoảng 96 dự án/nghị quyết…

“Theo tôi, chúng ta đi thẩm tra và giám sát thì căn cứ vào tài liệu. Với HĐND, cơ bản đại biểu kiêm nhiệm nhiều việc, đặc biệt là Ban Kinh tế - Ngân sách, giúp cho HĐND có đủ thời gian để làm việc kỹ càng về vấn đề này không? Hai là liệu HĐND có phủ quyết đề nghị của UBND khi trình thu hồi dự án không hay cứ xuôi chiều?

Ba là trách nhiệm của HĐND không chỉ ở giai đoạn đầu (quyết chủ trương) mà còn ở đầu ra (giám sát thực hiện dự án). Khi có khiếu kiện thì chúng ta có đi đến cùng không và khi đó HĐND đứng trên lập trường của ai, cơ quan nhà nước hay của người đại diện của người dân?” - ông Nhưỡng đặt vấn đề.

Theo ông Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng ban Dân nguyện, có nghị quyết HĐND chấp thuận gần 100 danh mục dự án nhưng thực tế chỉ thực hiện 30%, thậm chí có nơi chỉ 17% như TP Cần Thơ. Như vậy, giữa phê chuẩn danh mục chấp thuận đầu tư với thực tế rất khác nhau.

Thu hồi đất là để phát triển xã hội. Thế nhưng thu hồi đất cũng là thu hồi tư liệu sản xuất, mà đất này là của nhiều đời cha ông để lại nên người dân không muốn giao đất để rồi ly hương cũng là hợp lý.

“HĐND phải có tính độc lập, phải có bản lĩnh, không phải UBND trình thế nào thì duyệt thế ấy. Mình phải mang tấm lòng vào khi giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến nỗi khổ mất đất của người dân” - ông Đương chia sẻ.

Việc thu hồi đất để thực hiện dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm dẫn đến khiếu nại nhiều năm qua. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều nơi thiếu công khai, minh bạch

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long - ông Lưu Thành Công cho rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến người dân khiếu kiện kéo dài là do Nhà nước chưa làm hết trách nhiệm của mình trước dân khi thực hiện thu hồi đất.

Ngay từ khi thực hiện thủ tục thu hồi đất, khâu tuyên truyền, công bố quy hoạch làm rất lỏng lẻo. Người dân không được biết rõ mục đích của dự án là gì, lợi ích cho họ là gì sau khi dự án hoàn thành.

Hay theo Luật Quy hoạch thì khi đã có quy hoạch rồi phải họp dân thông báo nhưng nhiều nơi cũng không làm. Cho đến khi các đội đi vào đo đất, áp giá xong mới mời người dân đến thông báo. Đó chính là lý do người dân khiếu kiện nhiều nhất.

“Một vấn đề nữa là khi nêu mục đích ban đầu để thu hồi đất là làm phúc lợi, công trình công cộng nên người dân đồng tình. Thế nhưng thu hồi rồi lại chuyển đổi mục đích sử dụng, san lấp rồi phân lô, bán nền chẳng hạn. Giá thu hồi 1 triệu mà bán ra giá 7 triệu thì không người dân nào chấp nhận cả. Đây là trách nhiệm của chính quyền, cần phải làm hết cái tâm của mình với người dân trong quá trình thu hồi đất” - ông Công nhấn mạnh.

Cũng theo ông Công, một điểm gây bức xúc nữa là việc tái định cư cho người dân. Ông đặt vấn đề tái định cư mà chọn chỗ đất quá xấu, điều kiện kém hẳn nơi ở cũ thì làm sao người dân có thể an cư lạc nghiệp.

“Khi điều chỉnh quy hoạch hoặc thông qua quy hoạch, người dân tại nơi quy hoạch đó, vùng dự án đó không được biết vì không tổ chức họp dân lấy ý kiến. Sau đó tiếp tục thông qua HĐND các cấp để thực hiện dự án nhưng bất cập là nếu hỏi người dân ngay tại đó có biết không thì họ lại không hề được biết” - ông Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, bức xúc.

Theo ông Hòa, vấn đề quan trọng, gắn liền với lợi ích người dân là giá thu hồi đất. Khi thu hồi áp giá nhà nước bồi thường cho người dân một đồng, đến khi nhà đầu tư được giao đất bán giá đến 100 đồng. Việc giải quyết sau đó lại không thống nhất, mỗi cơ quan giải quyết khác nhau nên sự việc càng kéo dài, người dân không thỏa mãn.

“Do đó khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất làm dự án là câu chuyện gây bức xúc kéo dài không hồi kết” - ông Hòa nói.

44 tỉnh, thành có khiếu nại đông người

Khiếu kiện liên quan đến đất đai xảy ra ở rất nhiều dự án của hầu hết các địa phương. Qua tổng hợp, rà soát có 44/63 địa phương xuất hiện các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người tại trụ sở tiếp công dân trung ương với 221 vụ việc. Trong đó, Hà Nội nhiều nhất với 59 vụ, Bắc Giang 15 vụ, Bắc Ninh 11 vụ, TP.HCM 10 vụ…

Theo ông Tô Văn Đáp, Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT, hầu hết các vụ khiếu nại đông người, kéo dài, tập trung thường xuyên đến các cơ quan trung ương liên quan đến việc thu hồi, bồi thường. Đây là những vụ việc đã kéo dài nhiều năm, phát sinh trước 1-7-2004 như khiếu nại tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án Khu công nghệ cao TP.HCM, dự án ĐH Quốc gia TP.HCM… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm