BAN KINH TẾ - NGÂN SÁCH HĐND TP.HCM:

Giám sát dự án vành đai cây xanh cách ly bãi rác Đa Phước

Sáng ngày 29-5, đại biểu Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM đã dẫn đầu cùng đại diện lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Sở GTVT, Sở Xây dựng, BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, Thường trực HĐND và UBND huyện Bình Chánh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP… đến làm việc tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước (thuộc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam – VWS).

Đại biểu Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM và bà Huỳnh Thị Lan Phương (Phó TGĐ VWS) lắng nghe ý kiến của các Sở, ngành tại buổi giám sát.

Mục đích của chuyến làm việc là giám sát tiến độ triển khai thực hiện “Dự án vành đai cây xanh cách ly xung quanh khu vực bãi rác Đa Phước theo quy hoạch được duyệt và giải quyết đơn thư của cử tri liên quan đến dự án đầu tư công trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Dự án vành đai cây xanh cách ly: Từ 1.080 tỷ lên 2.200 tỷ

Báo cáo với đoàn giám sát, bà Huỳnh Thị Lan Phương (Phó TGĐ VWS) cho biết: Theo hợp đồng ký kết giữa đại diện UBND TP.HCM với VWS liên quan đến dự án Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, thành phố có trách nhiệm quy hoạch, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và trồng cây xanh cách ly với tổng diện tích hàng trăm hecta. Trong đó, dự án sẽ ảnh hưởng đến khoảng 772 hộ dân sinh sống quanh bãi rác Đa Phước và UBND huyện Bình Chánh có trách nhiệm thống kê đất đai các hộ dân liên quan.

Vào thời điểm cách đây hơn 10 năm, tổng dự toán cho dự án vành đai cây xanh cách ly ước khoảng 1.069 tỷ đồng (đã dược thành phố đưa vào nguồn vốn trung hạn). “Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, dự án vẫn nằm yên tại chỗ. Nóng ruột, chúng tôi đã đề nghị UBND thành phố cho phép công ty thực hiện dự án này bằng nguồn tiền của chính mình. Đổi lại, thành phố sẽ trả lại tiền sau hoặc bằng một ưu đãi khác… Thế nhưng, thành phố đã không chấp nhận và đến hôm nay, dự án đã đội giá trị lên hơn 2.200 tỉ đồng và không chắc chắn sẽ tiếp tục thực hiện”, bà Lan Phương luyến tiếc chia sẻ và nói thêm: 10 năm qua chúng tôi chờ đợi lời cam kết thực hiện của UBND TP.HCM và đến tận hôm nay, rõ ràng càng khó thực hiện khi tổng vốn đầu tư dự án đã vượt gấp đôi so với con số ban đầu.

Con đường dẫn dài 1,5 km với “4 không”

Trong 3 năm qua, con đường dẫn dài 1,5 km, nối từ QL50 vào bãi rác Đa Phước đã và đang gặp tình trạng “4 không”: không có tiền, không ai quản lý, không được duy tu bảo dưỡng và không quét dọn tưới rửa. Trong khi đó, con đường dẫn này, nhiệm vụ mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 500 lượt xe rác ra vào chuyên chở khoảng 1.000 tấn rác… Sau ba năm không được duy tu, sửa chữa nên con đường đã xuống cấp trầm trọng, làm ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện vận chuyển rác. Đặc biệt, ngay ngã ba QL50 rẽ vào đường dẫn, các xe rác đi qua đây làm rơi vãi nước rỉ rác và rác thải, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Thế nhưng, người dân cứ đổ lỗi lên đầu chúng tôi, trong khi cho đến giờ này, tôi cũng không biết số phận chăm sóc, duy tu bảo dưỡng đoạn đường dẫn này ai sẽ làm và ai duyệt ngân sách?...” bà Lan Phương ngao ngán chia sẻ.

Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM trao đổi với anh Trần Quốc Việt, người dân đang chịu ảnh hưởng do sự xuống cấp của đoạn đường dài 1,5 km dẫn vào bãi rác Đa Phước.

Đại diện Ban Quản lý các Khu Liên hợp xử lý chất thải thành phố (gọi tắt là MBS, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: UBND thành phố giao cho MBS quản lý con đường, cách đây ba năm, hàng ngày chúng tôi thuê Công ty Môi trường Đô thị quét dọn và xịt rửa. Thế nhưng, khi làm quyết toán và gửi cho Sở Tài chính thì không được duyệt với lý do: MBS không có chức năng duy tu, bảo dưỡng, chăm sóc đường…

Trong khi đó, đại diện Sở GTVT thì cho biết, chúng tôi có nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng hạ tầng nhưng con đường này thành phố không giao cho Sở nên không thể lên dự toán hàng năm được. Tương tự, đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết, có nhiệm vụ chăm sóc cây xanh, chiếu sáng và thoát nước hạ tầng nhưng con đường này Sở cũng không được thành phố giao nên cũng không thể làm tự toán kinh phí… Nghĩa là số phận con đường dẫn 1,5 km này cho đến nay vẫn “vô chủ”…

Trước những bất cập trên, đại biểu Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, cho biết: Sắp tới sẽ thảo luận một chuyên đề về số phận con đường dẫn này. Tuy nhiên, đại biểu Triệu Đỗ Hồng Phước, cho biết sẽ sớm báo cáo với Thường trực HĐND TP đồng thời giao MBS lên kế hoạch cụ thể các công việc cần giải quyết, cần phối hợp với các sở ngành khác để đến cuối năm nay, phải dứt điểm trách nhiệm và kinh phí duy tu, bảo dưỡng con đường này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm