Giám đốc sở GTVT: Chú trọng phát triển giao thông TP Thủ Đức

Trong chương trình hành động ứng cử HĐND TP.HCM, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đã có nhiều cam kết với cử tri về việc nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Trong đó, ông Lâm cam kết sẽ thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chức trách được giao để phát triển hạ tầng giao thông TP.HCM, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông TP Thủ Đức. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Trần Quang Lâm về vấn đề này.

Tập trung nguồn lực cho TP Thủ Đức

. Phóng viên: Được biết trong chương trình hành động ứng cử HĐND TP.HCM, ông đã nêu quyết tâm phát triển giao thông về mọi mặt ở TP Thủ Đức. Ông có thể nói rõ hơn về chương trình này?

+ Ông Trần Quang Lâm: TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba quận gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức và sau khi thành lập TP Thủ Đức có diện tích hơn 212 km2 (chiếm hơn 10% diện tích tự nhiên toàn TP), dân số hơn 1,5 triệu người. Có thể thấy TP Thủ Đức sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng tam giác TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ.

Đồng thời, đây là khu vực có điều kiện và tiềm năng thuận lợi phát triển đô thị như trục xa lộ Hà Nội, tuyến metro số 1, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối với các khu chức năng quan trọng: Khu công nghệ cao, ĐH Quốc gia, khu Công viên lịch sử văn hóa dân tộc, Khu du lịch Suối Tiên…

Bên cạnh đó, khu vực này cũng liên kết với các động lực phát triển quan trọng như trung tâm TP, khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm, kết nối với sân bay Long Thành, đô thị mới Nhơn Trạch… Hành lang phát triển là tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dọc tuyến xa lộ Hà Nội và phát triển các khu đô thị mới có mật độ xây dựng cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TP Thủ Đức, mật độ đường giao thông đạt
2,15 km/km2 (theo quy chuẩn là 13,3-10 km/km2); tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt 7,21% (theo quy chuẩn là 18%).

Theo đó, với mục tiêu hình thành và phát triển TP Thủ Đức trở thành KĐT sáng tạo phía đông, UBND TP đã thành lập Ban chỉ đạo về xây dựng KĐT sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.HCM. Trong đó đã xác định vai trò, nhiệm vụ của từng đơn vị có liên quan đối với công tác xây dựng và phát triển KĐT sáng tạo phía đông. Nhiệm vụ chính của Sở GTVT là xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông để làm cơ sở thực hiện đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông phù hợp theo kế hoạch hành động về xây dựng KĐT sáng tạo phía đông.

Đầu tư 47 dự án với tổng vốn 45.000 tỉ đồng

. Thưa ông, đâu là các dự án khiến ông trăn trở, nỗ lực đưa các dự án hoàn thành vào nhiệm kỳ tới?

+ Trước mắt, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông chính sử dụng vốn ngân sách TP trên địa bàn TP Thủ Đức là 47 dự án (tổng vốn là 45.000 tỉ đồng) đã có chủ trương đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025; riêng năm 2021 sẽ hoàn thành năm dự án.

Cụ thể, sẽ hoàn thành hạng mục cầu Mỹ Thủy 3; dự án xây dựng đường nối Nguyễn Văn Hưởng đến xa lộ Hà Nội; mở rộng đường Đồng Văn Cống; xây dựng cầu Thủ Thiêm 2; cải tạo và nâng cấp, hoàn thiện mặt đường tuyến vành đai phía đông (đoạn từ nút giao thông Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc).

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chạy dọc theo xa lộ Hà Nội,
TP Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Đồng thời, lập danh mục, kế hoạch và khái toán đầu tư các công trình hạ tầng giao thông cho khu vực hướng đông. Trong đó, để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Sở sẽ tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, tiên quyết phải đầu tư như khép kín các tuyến vành đai 2, vành đai 3, các trục đường kết nối với các khu vực trọng tâm phát triển...

Đặc biệt cần phân bổ nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm; kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đúng tiến độ đầu tư xây dựng các công trình như kết nối liên vùng đầu tư khép kín đường vành đai 2, vành đai 3.

Kết nối các khu chức năng, hoàn chỉnh mạng lưới đường liên khu vực: Nâng cấp mở rộng các tuyến Lã Xuân Oai, Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Xiển; xây dựng đường liên cảng…

Chống ùn tắc giao thông, di dời cảng Trường Thọ, cải tạo các nút giao thông chính như nút An Phú, Mỹ Thủy, ngã tư Thủ Đức…

Phát triển vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50%-60% nhu cầu đi lại của người dân KĐT sáng tạo phía đông đến năm 2040. Theo đó, phấn đấu thi công hoàn thành tuyến metro số 1 và tuyến BRT số 1 trong năm 2022, phát triển mạng lưới xe buýt có sức chở phù hợp hệ thống hạ tầng đô thị; mở rộng mạng lưới giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn quận hướng đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Phát triển vận tải hàng hóa logistics, cảng biển và ICD tại Cát Lái, Phú Hữu, Long Bình, Bến xe Miền Đông, trung tâm vận tải tại Long Trường, Trường Thạnh. Phát triển mạng lưới giao thông thủy như vận tải hàng hóa, hành khách kết hợp du lịch…

Nhiều giải pháp khắc phục khó khăn

. Sở GTVT đã đề ra rất nhiều kế hoạch mục tiêu phát triển giao thông, hạ tầng TP. Tuy nhiên, các dự án đều gặp khó khăn về nguồn ngân sách đầu tư và giải phóng mặt bằng (GPMB), vậy Sở GTVT đã có chiến lược gì, thưa ông?

+ Đối với công tác bồi thường, GPMB, Sở GTVT đã phối hợp chặt chẽ với UBND TP Thủ Đức và các chủ đầu tư để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang vướng mắc. Xây dựng kế hoạch chi tiết của từng công trình, định kỳ kiểm điểm tiến độ, cá thể hóa trách nhiệm của từng vị trí, từng khâu nhằm đảm bảo theo dõi có hiệu quả, thiết thực.

Đồng thời, phối hợp sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu ban hành cơ chế chính sách, các thủ tục về đất đai liên quan đến công tác bồi thường và GPMB để nghiên cứu, đề xuất áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Song song, Sở GTVT sẽ phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện công tác rà soát điều chỉnh lại các quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 đồng bộ với quy hoạch xây dựng chung TP.HCM. Trong đó chú trọng đến quy hoạch, phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD). Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy hoạch các dự án có tính kết nối giữa các khu vực khác nhau của KĐT sáng tạo phía đông và với các khu vực khác của TP cũng như các kết nối với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương.

Hạ tầng giao thông được xác định là một trong những đột phá trong giai đoạn 2021-2025, cùng với sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đối với hạ tầng giao thông TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho địa phương…), Sở GTVT tin tưởng rằng hạ tầng giao thông TP Thủ Đức sẽ có sự bứt phá và thay đổi diện mạo trong 3-5 năm tới.

. xin cám ơn ông.

 

Lắp đặt biển báo ngay sau khi cử tri phản ánh

Sở GTVT TP cho biết trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 12-5, tại trụ sở UBND phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, Sở GTVT nhận được kiến nghị cử tri về tình trạng xe sơmi rơmoóc lưu thông ra vào khu tái định cư Long Sơn, phường Long Bình, TP Thủ Đức gây mất an toàn giao thông trong khu dân cư này.

Ngay sau đó, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra tình trạng giao thông tại đây. Tiếp đó, Sở GTVT đã thực hiện việc lắp đặt biển báo cấm xe sơmi rơmoóc trên đường B và đường số 5 thuộc khu tái định cư Long Sơn, phường Long Bình, TP Thủ Đức. Thời gian thực hiện từ ngày 15-5.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm