Giảm dần các nhà máy nhiệt điện than

Sáng nay, 22-12, Diễn đàn An ninh năng lượng cho phát triển bền vững đã được Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tại Hà Nội.

Nhiệt điện than giảm còn 18% năm 2045

Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), từ năm 2011-2019, nhu cầu năng lượng sơ cấp tăng mạnh, bình quân 6,8%/năm. Nguồn than cũng vì vậy mà tăng mạnh để cung cấp cho nhu cầu sản xuất điện. Năng lượng sinh khối phi thương mại giảm mạnh do quá trình đô thị hóa và mức sống ngày càng cao. Năng lượng tái tạo gia tăng.

"Xuất khẩu năng lượng của Việt Nam đang giảm dần, nhập khẩu năng lượng tăng lên. Năm 2015 là năm đầu tiên Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng" - ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết.

 Quang cảnh Diễn đàn An ninh năng lượng cho phát triển bền vững. Ảnh: AH

Thông tin về cơ cấu nguồn điện, ông Tuấn cho hay so với quy hoạch điện 7 điều chỉnh thì năm 2020 nhiệt điện than đã giảm 6.000 MW. Nhiệt điện khí và dầu cơ cấu không thay đổi, nhưng thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo đã chiếm tỷ trọng cao hơn 10,3% so với quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

Dự kiến về cơ cấu công suất đặt nguồn điện tới năm 2030, ông Tuấn cho biết sẽ giảm dần nhiệt điện than từ 34% giảm còn 27% năm 2030, còn 18% vào năm 2045, chỉ tiếp tục phát triển các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình triển khai xây dựng và đang chuẩn bị đầu tư.

Thay vào đó, sẽ phát triển mạnh mẽ các nguồn điện khí, đưa tỷ lệ điện khí từ 15% hiện nay lên mức 23% năm 2030, 25% năm 2045. Điện mặt trời và điện gió cũng phát triển tăng lên 42% trong tổng công suất đặt hệ thống năm 2045.

Thực hiện giá bán than theo cơ chế thị trường

Chia sẻ về tình hình khai thác và sử dụng nguyên liệu thô trong sản xuất năng lượng, bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương), cho biết hiện nay trong lĩnh vực năng lượng, có ba loại nguyên liệu thô được sử dụng rộng rãi nhất là dầu thô, khí tự nhiên và than.

Từ năm 2016 đến nay, khai thác dầu thô ở nước ta đạt bình quân 12-13 triệu tấn/năm và dự kiến đạt 8-10 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2021-2025. Việc khai thác dầu thô chủ yếu cung cấp cho nhà máy lọc dầu Dung Quất và phục vụ cho xuất khẩu.

Trong ngành công nghiệp khí, theo bà Quỳnh, hiện nay sản lượng khai thác khí đang suy giảm, trong khi đó nhu cầu khí tăng cao. Trước thực trạng trên, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đề ra mục tiêu tập trung phát triển ngành công nghiệp khí, ưu tiên phát triển điện khí và đảm bảo đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 8 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỉ m3 vào năm 2045.

Trong hiện trạng ngành công nghiệp than, Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than cho biết hiện nay, tổng lượng than tiêu thụ cho sản xuất điện của Việt Nam tăng mạnh từ 9 triệu tấn năm 2010 lên 54 triệu tấn năm 2019.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã giảm dần xuất khẩu than từ trên 18 triệu tấn năm 2010 xuống còn trên 1 triệu tấn năm 2015 và duy trì xuất khẩu khoảng 1-2 triệu tấn/năm.

Định hướng phát triển ngành than giai đoạn tới, bà Quỳnh cho biết cần phải tập trung phát triển các mỏ sản lượng lớn theo tiêu chí “mỏ xanh, hiện đại, sản lượng cao”, áp dụng công nghệ khai thác than hầm lò và nâng cao chất lượng sản phẩm than, đáp ứng yêu cầu đa dạng của các hộ tiêu thụ trong nước, đặc biệt cho sản xuất điện.

“Trong giai đoạn tới, chúng ta cần có chính sách nhất quán, vụ thể, minh bạch về trình tự triển khai thực hiện các dự án trong quy hoạch, tránh sự chồng chéo nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, dự án ngành than theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời thực hiện giá bán than theo cơ chế thị trường nhằm khuyến khích sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên than” – bà Quỳnh đề xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm