Giải pháp để ngăn chim trời va 'chim sắt'

Mới đây, phi công trên chuyến bay KE686 của hãng hàng không Korean Air từ TP.HCM đi Incheon, Hàn Quốc phát hiện đàn chim én “náo loạn” đầu đường băng 25L/07R của sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Ngay sau đó, đường băng này tạm ngưng khai thác để nhân viên sân bay gây tiếng ồn xua đuổi đàn chim.

Mối nguy khi va phải chim

“Chim sẻ dù cá thể nhỏ nhưng nếu cả đàn hút vào động cơ trong giai đoạn cất cánh hiểm họa khôn lường” - ông An Văn Vinh, Trưởng khoa huấn luyện phi công, Cơ trưởng giáo viên dòng máy bay thân rộng Boeing 787 (Vietnam Airlines), nói gọn về nguy cơ “chim sắt” va phải chim hoang dã.

Vị cơ trưởng chia sẻ các tài liệu ghi nhận chim hoang dã thường xuất hiện ở độ cao khoảng 3.200 feet (tương đương 1 km) trở lại. Ở độ cao này, lúc hạ cánh vận tốc máy bay khoảng 200-250 km/giờ, theo tính toán với vận tốc như vậy, cú va đập với một com chim tương đương hơn một tấn. Nếu va chạm vào thời điểm này sẽ rất nguy hiểm với máy bay vì có thể gây lệch cánh, các thiết bị, thân máy bay bị móp, lõm và nguy hiểm nhất là gây hư hỏng động cơ.

Còn theo một cơ trưởng kỳ cựu dòng máy bay thân rộng Airbus A350, ngoài va đập vào thân, đầu máy bay thì vị trí va chạm nhạy cảm khác đó là kính buồng lái. “Thử tưởng tượng một con chuồn chuồn bé xíu nhưng khi va đập kính buồng lái thì nó bẹp ra như bàn tay để thấy va đập lực mạnh cỡ nào. Thường như vậy dùng cần gạt nước cũng không làm sạch vì dịch bám rất chặt. Lúc đó, phi công sẽ “mù”” - vị này nói.

Vị này phân tích: Chim hút vào động cơ nguy hiểm nhất, bởi động cơ máy bay có nhiều cánh quạt, trong đó cánh quạt trong cùng gần buồng đốt nhiệt hàng ngàn độ C. Khi có vật cản, gây nhiễu động, ức chế năng lượng không đẩy hết ra ngoài sẽ khiến động cơ quay nhanh hơn, phát sinh nhiệt và gây cháy động cơ. “Giai đoạn cất/hạ cánh va phải chim sẽ uy hiếp an toàn bay, gây tình trạng mất kiểm soát do mất lực đẩy. Trong đó, nguy hiểm là giai đoạn cất cánh vì giai đoạn này cần lực đẩy lớn nhưng động cơ mất công suất, không đều hai bên gây lệch hướng” - cơ trưởng Airbus A350 nhận định.

Máy bay vào đường băng chuẩn bị cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Ảnh: PHONG ĐIỀN

Vị phi công nhận định các khu vực lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Long An có mật độ xây dựng đô thị cao làm mất đi môi trường trú ngụ tự nhiên, khiến chim di chuyển trong giai đoạn nhất định đến sân bay để tìm môi trường trú ngụ mới. Về phương cách các sân bay xua đuổi chim, vị này chia sẻ thông thường các sân bay trên thế giới đuổi chim bằng công nghệ phát ra tiếng động lớn để chim giật mình bay đi nơi khác. Thậm chí người ta tính toán tiếng kêu phát ra có định hướng để chim hoảng loạn bay về hướng không nằm trong vùng cất/hạ cánh.

Trị chim bằng cách gì?

Ngay sau vụ chim én “náo loạn” đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, nguồn tin từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đồng ý đưa công nghệ xua đuổi chim của Bulgaria áp dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Công nghệ này dựa trên thân nhiệt của chim và tự động phát ra tiếng kêu lớn để xua đuổi chim đi nơi khác.

Tổng giám đốc ACV - ông Vũ Thế Phiệt cho biết hiện có nhiều phương án và công nghệ đuổi chim khác nhau trên thế giới, mỗi phương án có một ưu điểm khác nhau nên cần tính toán kết hợp để phát huy hiệu quả cao nhất. Hiện ACV đang thí điểm công nghệ đuổi chim của Bulgaria tại sân bay Nội Bài, theo đó sẽ đúc kết một số kinh nghiệm hiệu quả để triển khai cho một số sân bay khác.

Theo ACV, đơn vị này đang khai thác 21 sân bay, cảng hàng không tại Việt Nam, trong đó có một số sân bay ghi nhận có nhiều vụ va chạm với chim như sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Vinh và Đồng Hới.
 

Lãnh đạo một sân bay cho biết công nghệ đuổi chim có chi phí khá cao và tùy đặc điểm cá thể chim từng vùng mới phát huy tác dụng. Vị này khái quát, môi trường xung quanh sân bay gần biển, ao hồ, rừng thường là nơi chim trú ngụ, theo đó để kiểm soát nguy cơ gây mất an toàn trong vùng phễu bay cần phối hợp với địa phương tuần tra, kiểm soát nhưng để giải quyết triệt để thì rất khó. Đồng thời, cần nghiên cứu đặc điểm từng loài chim để có phương án xua đuổi hiệu quả.

Theo hướng dẫn kiểm soát chim và động vật hoang dã của Cục Hàng không Việt Nam, mặt đường băng và những vùng xung quanh đường băng thường là nơi đậu, nghỉ của chim và động vật hoang dã vì có rất ít sự hiện diện của con người và là nơi thông thoáng để quan sát các mối nguy hiểm rình rập xung quanh. Nhiều điểm trên sân đỗ và trên mái nhà của các tòa nhà như nhà ga, hangar… cũng mang lại nhiều vị trí đậu, nghỉ ngơi phù hợp cho các loài chim. Đồng thời, sân bay còn là điểm trú ngụ hấp dẫn của những đàn chim lớn bởi đây là khoảng không gian mở và rộng lớn với môi trường đa dạng, thảm thực vật hấp dẫn, thức ăn dồi dào, dễ tiếp cận và ít gặp động vật ăn thịt.

Để giảm thiểu nguy cơ va chạm giữa chim và máy bay, Cục Hàng không cũng chỉ ra một số phương pháp được các sân bay kết hợp để đuổi chim và động vật hoang dã gồm xe di chuyển, đạn pháo, sử dụng tiếng kêu cảnh báo nguy hiểm của chính loài chim, thiết bị tạo khí đốt, chim săn mồi, con người, tiêu diệt trực tiếp, sử dụng chó huấn luyện, sử dụng súng chiếu laser…•

Chim và động vật hoang dã là mối đe dọa

Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, vùng lân cận cảng hàng không, sân bay được xác định là 8 km tính từ ranh giới cảng hàng không, sân bay. Tuy nhiên, các yếu tố chính thu hút chim và động vật hoang dã như biển, hồ, rừng hoặc khu sinh thái, khu bảo tồn động thực vật có thể cách cảng hàng không, sân bay hơn 8 km.

Chim và động vật hoang dã là một trong những mối đe dọa, nguyên nhân gây thiệt hại to lớn cho hoạt động hàng không dân dụng. Bên cạnh sự nỗ lực của các nhà thiết kế, sản xuất máy bay chống lại mối đe dọa này, người khai thác cảng hàng không, sân bay cần phải có biện pháp để kiểm soát, giảm thiểu số lượng, tần suất chim và động vật hoang dã xuất hiện trên các tuyến đường bay, khu vực lân cận và trong khu bay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm