EVNNPC: Sáng tạo trong thu tiền điện không dùng tiền mặt

Với phương châm: “Năng suất- hiệu quả- hướng tới sự hài lòng của khách hàng”, Công ty Điện lực Hưng Yên (PC Hưng Yên) đã trở thành điểm sáng trong việc thu hộ tiền điện theo hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Sáng tạo hướng đến sự hài lòng    

Nói về những kết quả khả quan trong công tác này, ông Phạm Như Hạnh, Phó giám đốc PC Hưng Yên, thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, đơn vị đã đưa ra những giải pháp thu tiền điện thuận lợi nhất, nhanh chóng nhất và tiết kiệm thời gian cho khách hàng trong việc thanh toán tiền điện.

Tính đến 31-10-2019, PC Hưng Yên đã có 82,64% khách hàng tham gia thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian. Nâng tổng số tiền điện giao dịch điện tử qua ngân hàng là 5.183 tỉ đồng, chiếm 78,11% tổng số dòng tiền thu được năm 2019.

Để có được những con số ấn tượng đó, PC Hưng Yên cũng có rất nhiều nỗ lực và sáng tạo nhằm thúc đẩy giao dịch của khách hàng với phương thức thanh toán mới mẻ này.

Trước đó, từ năm 2015 việc triển khai thanh toán tiền điện bằng hóa đơn điện tử đã được áp dụng ở Hưng Yên. Tuy nhiên, theo đại diện PC Hưng Yên, sự tham gia của khách hàng hộ gia đình và các đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Từ thực tiễn này, PC Hưng Yên đánh giá công tác tuyên truyền là yếu tố quan trọng làm thay đổi thói quen nộp tiền điện bằng tiền mặt của khách hàng. Bởi vậy, ở thành phố, trong tháng gần đây, đơn vị này đã sử dụng xe lưu động của công ty phát loa tuyên truyền trong từng khu vực.

Đối với khu vực nông thôn, PC Hưng Yên đã kết hợp với đài phát thanh của địa phương phát đi các bản tin kết hợp giữa việc tuyên truyền tiết kiệm điện và thanh toán tiền điện thông qua hình thức thanh toán tiền điện tử.

Khi được hỏi về việc kênh tuyên truyền nào đem lại hiệu quả nhất, đại diện PC Hưng Yên cho hay, những cộng tác viên thu tiền chính là những người tuyên truyền đem lại hiệu quả cho khách hàng. Với cách tuyên truyền trực tiếp, các cộng tác viên đồng thời cũng là những người hướng dẫn khách hàng thao tác trên máy, phát các tờ rơi hướng dẫn.

Công nghệ tốt nhưng vẫn cần cải tiến

Mặc dù có được những kết quả khích lệ, tuy nhiên theo ông Phạm Như Hạnh, việc triển khai thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt vẫn còn một số khó khăn.

Trong đó, đặc điểm của tỉnh Hưng Yên là tỉ lệ khách hàng sinh sống tại các vùng nông thôn vẫn là chủ yếu (chiếm 70% tổng số khách hàng). Đây là những đối tượng khách hàng không mở tài khoản qua ngân hàng.

Ngoài ra, phần lớn khách hàng sử dụng điện còn có thói quen sử dụng tiền mặt, nhờ người nộp hộ nên không đăng ký, một số khách hàng thường xuyên không để số dư trong tài khoản.

Nhận thức được những khó khăn kể trên, lãnh đạo EVNNPC cho biết, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn. Trong đó, EVNNPC đã sử dụng đa dạng các kênh tuyên truyền, trong đó có cả kênh mạnh xã hội Facebook, Zalo… Nhờ vậy đã phát huy tối đa sự tham gia tuyên truyền của cán bộ nhân viên trong toàn đơn vị, thông qua đó lan tỏa đến cộng đồng.

Bên cạnh đó, một trong những kinh nghiệm được EVNNPC cho rằng đã tạo ra rất nhiều thay đổi trong phương thức thanh toán của người dân, đó chính là thông qua các đơn vị trung gian.

EVNNPC chia sẻ ở nhiều vùng nông thôn, điện thoại thông minh vẫn chưa được sử dụng một cách phổ biến. Điều này đã được một số đơn vị trung gian đáp ứng.

Cụ thể như ứng dụng Viettelpay, đây là ứng dụng cho phép người dân thực hiện thanh toán điện tử mà không cần kết nối với Wifi hay mạng 3G, 4G. Trong thời gian qua, EVNNPC cũng đã làm việc với ngân hàng và các tổ chức trung gian để thống nhất chủ trương, giải pháp thanh toán.

Dù đánh giá cao hiệu quả các ứng dụng của các đơn vị trung gian, tuy nhiên theo đại diện EVNNPC, đến thời điểm này công nghệ đã tốt hơn nhưng vẫn cần cải tiến về an toàn, an ninh để đem lại sự hài lòng nhất cho khách hàng khi trải nghiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm