Dự án đường Hồ Chí Minh không có tham nhũng, tiêu cực

Theo đó, dự án đường Hồ Chí Minh thực hiện đúng tiến độ mà Nghị quyết Quốc hội đề ra. Cụ thể, giai đoạn 1, đến năm 2007 cơ bản hoàn thành đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum). Giai đoạn 2, các dự án thành phần hoàn thành với tiến độ đạt yêu cầu, riêng các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã vượt tiến độ 1,5 năm.

Báo cáo Chính phủ cũng khẳng định các dự án thành phần triển khai đều tuân thủ đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành. Bên cạnh đó, tổng thể không làm tăng tổng mức vốn đầu tư, đặc biệt không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện. Kết quả đã được thể hiện qua các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các bộ, ngành.

Theo đánh giá của Chính phủ, dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên góp phần phát triển kinh tế của khu vực. Ảnh: Internet

Theo Chính phủ, việc hoàn thành, đưa vào sử dụng đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1 và 2) mang lại hiệu quả nhiều mặt đối với các khu vực và các địa phương nơi dự án đi qua. Đặc biệt, đối với cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây. Bên cạnh đó, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Để tiếp tục triển khai dự án, thời gian tới Chính phủ sẽ hoàn tất việc chấp thuận chủ trương và công tác chuẩn bị đầu tư để có thể khởi công dự án Cam Lộ - La Sơn trong năm 2018 (theo đề án cao tốc Bắc -Nam).

Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án đầu tư và lựa chọn Nhà đầu tư để triển khai dự án Chơn Thành - Đức Hòa theo hình thức BOT trong năm 2018. Đặc biệt, nghiên cứu trình Quốc hội bổ sung nguồn vốn để thực hiện đầu tư đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và phần còn lại của đoạn Rạch sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận. Ngoài ra, nghiên cứu tìm kiếm nguồn vốn và phương án đầu tư cho các dự án thành phần giai đoạn 2016 - 2020 để nối thông toàn tuyến.

Tuy nhiên để sớm nối thông toàn tuyến trước năm 2020, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn để triển khai các dự án Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; dự án Rạch sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận và đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến (dài 130 km, với tổng mức đầu tư 16.216 tỉ đồng), do gặp nhiều khó khăn trong kêu gọi Nhà đầu tư BOT.

 Dự án đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km. Theo kế hoạch đến năm 2020, hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe. Sau năm 2020 nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm