Đô thị Đà Nẵng sẽ vươn tầm châu lục

“Chúng tôi chưa bao giờ nhận được hồ sơ có đến 37 bản vẽ in khổ A0. Rất nhiều hồ sơ thuyết minh, phụ lục đầy đủ. Chúng tôi đánh giá rất cao tư vấn đã bám sát nhiệm vụ thiết kế, có định hướng bài bản, tầm nhìn chiến lược và bám sát nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng đưa ra”.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đánh giá như trên tại hội nghị thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 diễn ra ngày 26-8.

Hình hài tương lai đô thị Đà Nẵng

Hội nghị được kết nối trực tuyến giữa ba điểm cầu: Bộ Xây dựng, TP Đà Nẵng và Singapore (Liên danh Công ty Sakae Corporate và Công ty Tư vấn Surbana Jurong).

Báo cáo tại điểm cầu Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP, cho hay định vị chiến lược thúc đẩy sự phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 gồm: TP là một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; cổng vào của hành lang kinh tế Đông - Tây; tham gia mạng lưới TP thông minh ASEAN; điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm du lịch, dịch vụ và kinh tế biển.

Cấu trúc cảnh quan đô thị Đà Nẵng sẽ bao gồm: Vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và một vùng sinh thái.

Đà Nẵng cũng sẽ thiết lập hai vành đai kinh tế gồm: Vành đai phía bắc - vành đai công nghiệp công nghệ cao và cảng biển - logistics; vành đai phía nam - vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về định hướng hạ tầng kỹ thuật, TP phải tiếp tục nâng cấp, mở rộng sân bay Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách/năm.

Đồ án quy hoạch chung lần này cũng bổ sung hầm chui xuyên qua sân bay Đà Nẵng, hầm qua sông Hàn, cầu đường bộ nối đường 29 Tháng 3 với đường Bùi Tá Hán.

Đà Nẵng cũng định hướng hình thành mới bến xe phía bắc, bến xe phía tây (cửa ngõ lên Tây Nguyên), đồng thời tiếp tục phát triển bến xe phía nam.

Bến xe Trung tâm hiện tại sẽ được chuyển đổi phục vụ giao thông công cộng. Một đường hầm xuyên qua ga đường sắt mới và đường cao tốc kết nối về phía tây cũng được đưa vào đồ án lần này.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành liên quan thống nhất, đánh giá cao đồ án và cho rằng đã đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một số ý kiến đề nghị tư vấn Singapore bổ sung, làm rõ sự cần thiết của các dự án lớn trong tương lai, xem xét kỹ lưỡng quy hoạch sử dụng đất (nhất là đất giao thông đô thị).

Bà Lương Thị Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị - Bộ KH&ĐT, đề nghị phía tư vấn đánh giá kỹ hơn hiện trạng của Đà Nẵng trong liên kết vùng.

Bà hạnh cho rằng TP cần cụ thể hóa danh mục đầu tư, có định hướng hạ tầng kỹ thuật ưu tiên, phù hợp với nguồn lực đầu tư trong từng giai đoạn.

Đà Nẵng được kỳ vọng là đô thị vươn tầm châu lục vào năm 2045. Ảnh: TẤN VIỆT

Đà Nẵng phải đạt quy mô 2,5 triệu dân

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà (Chủ tịch Hội đồng thẩm định) chia sẻ rằng nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì thời gian điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng có tốc độ kỷ lục. Đây là đồ án được đánh giá rất cao.

Theo Bộ trưởng Hà, tầm nhìn quy hoạch và kỳ quy hoạch đối với lĩnh vực xây dựng là cả một vấn đề. Làm quy hoạch 10 năm nhưng định hướng lại đến rất nhiều năm sau.

Tóm lại, ông Hà đề nghị các phương án, kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng phải bám sát Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị. Tất nhiên có thể tính toán linh hoạt theo từng năm nhưng không thể khác Nghị quyết 43.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung đều được tư vấn Singapore đồng hành hỗ trợ, làm song song nên đã tính toán tương đối kỹ lưỡng.

Bộ ba công cụ để thực hiện Nghị quyết 43 là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, nghị quyết của Quốc hội về phát triển Đà Nẵng và bản quy hoạch chung lần này.

Mong rằng các bộ, ban, ngành trung ương quan tâm hơn nữa và nhìn Đà Nẵng với vị trí địa chính trị hết sức quan trọng.

Ông TRƯƠNG QUANG NGHĨABí thư Thành ủy Đà Nẵng 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị Đà Nẵng đặc biệt chú ý vấn đề dân số. Tốc độ tăng dân số nội thị tại Đà Nẵng hiện rất cao, tăng khoảng 2,49% (số liệu năm 2019).

“Các nghiên cứu đã chỉ ra nếu các đô thị không đạt đến quy mô 2,5-3 triệu dân thì không bao giờ trở thành động lực tăng trưởng cho một vùng nào đó…” - ông Hà đặt vấn đề.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng từ năm 1995, Đà Nẵng có một làn sóng phát triển mới. Theo chu kỳ, khả năng từ giờ trở đi có thể là làn sóng phát triển thứ hai của Đà Nẵng.

Ông Hà cũng khẳng định: “Đã là một TP đáng sống, TP du lịch quốc tế thì các chỉ tiêu về hạ tầng phải ở mức tiên tiến của thế giới. TP chật chội, lộn xộn không thể là TP đáng sống”.

Ông Hà rất tán thành trong định hướng thiết kế đô thị Đà Nẵng đã chú ý đến một số điểm nhấn như khu vực hai bờ sông Hàn, bán đảo Sơn Trà hay khu trung tâm… và đề nghị Đà Nẵng cần phải cụ thể thêm vấn đề này.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng đề nghị Đà Nẵng làm rõ thêm vấn đề bản sắc của TP. Đồng thời, Đà Nẵng cũng cần làm rõ mức độ đáp ứng và yêu cầu đảm bảo quốc phòng an ninh trong kết hợp phát triển kinh tế.

“Đề nghị cơ quan lập quy hoạch tư vấn có báo cáo bổ sung, làm rõ thêm một số vấn đề như tôi đã nói. Nếu như Đà Nẵng chuyển cho Bộ Xây dựng trước ngày 5-9 thì chúng tôi đảm bảo sẽ trình lên cho Thủ tướng phê duyệt trước ngày 10-9” - ông Hà khẳng định.

Khai thác triệt để đất xây dựng ở Sơn Trà

Tại hội nghị, đại diện Bộ Quốc phòng cho hay trong số 15 dự án phát triển du lịch ở đồ án quy hoạch chung Đà Nẵng thì đa số nằm trên bán đảo Sơn Trà.

Vị này đề nghị Đà Nẵng kiểm tra, rà soát để điều chỉnh, xác định mức độ ảnh hưởng quốc phòng an ninh của các dự án, thực hiện đúng quy định tại Nghị định 164/2018.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Qua sự kiện thanh tra bán đảo Sơn Trà thì đề xuất liên quan khu vực này trong bản quy hoạch chung quá rụt rè và lúng túng. Đề nghị Đà Nẵng phải làm thế nào khai thác triệt để nhất phần đất xây dựng ở bán đảo Sơn Trà. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.