Đi máy bay vẫn an toàn hơn các phương tiện khác

Tuy số người chết cao đến vậy nhưng đi máy bay vẫn an toàn so với các phương tiện vận chuyển khác. Theo một dữ liệu của Cục Dân số Hoa Kỳ, vào năm 2017, tỉ lệ tử vong vì tai nạn máy bay là 1 trên 188.364, trong khi đuối nước là 1:1.117, tai nạn xe hơi là 1:103.
Và việc sống sót trong một tai nạn máy bay cũng không phải là hiếm. Theo Ủy ban An toàn giao thông châu Âu, tính từ năm 1996, có đến 90% tai nạn máy bay đều có người sống sót.
Năm 2016, chuyến bay số hiệu SQ368 của hãng hàng không Singapore xuất phát từ sân bay Changi (Singapore) đi Milan (Ý) đã bay được 2,5 tiếng đồng hồ thì phát hiện nhiên liệu bị rò rỉ. 
Cơ trưởng quyết định quay về Changi và khi hạ cánh, một cánh máy bay bốc cháy, hành khách bắt đầu hoảng loạn. May mắn một tiếp viên giàu kinh nghiệm đã hét lớn "Mọi người ngồi yên, không mở cửa, chờ cứu hỏa xử lý đám cháy".
Nguyên tắc đầu tiên để sống sót chính là tuân theo hướng dẫn của phi hành đoàn, những người am hiểu, chuyên nghiệp và được huấn luyện kỹ càng trong trường hợp nguy cấp.
Ngoài ra, theo Cơ quan hàng không dân dụng Singapore, trong quá trình máy bay đi trên đường băng, cất hạ cánh phi hành đoàn đều yêu cầu mở tấm che cửa sổ là để hành khách quan sát những điều bất thường bên ngoài máy bay như rò rỉ nhiên liệu, tia lửa điện hay cháy trong động cơ. Điều này giúp họ biết điều gì đang xảy ra, định hướng lối thoát tránh xa nguồn nguy hiểm.
Theo một nghiên cứu của Boeing về tai nạn máy bay thương mại từ năm 2008-2017, 14% tai nạn máy bay trong quá trình cất cánh, lấy độ cao; 11% tai nạn vì mất kiểm soát và đến 49% là trong quá trình hạ cánh.
Các sân bay có hệ thống hạ cánh tự động sẽ giúp phi công điều hướng chính xác tiếp cận đường băng, giảm thiểu được tai nạn. Thông thường các sân bay châu Âu đều có hệ thống hạ cánh tự động vì nơi đây thường sương mù, tuyết rơi. Còn tại châu Á thì có sân bay Hong Kong, Nhật Bản và Singapore áp dụng công nghệ này.
Nhiều hành khách thường lo ngại về mức độ an toàn của hàng không giá rẻ. Tuy nhiên, ông Ling Liong Tien, người đứng đầu bộ phận an toàn bay của AirAsia, cho biết không có sự khác biệt nào về an toàn giữa hãng hàng không giá rẻ và đầy đủ dịch vụ. Tất cả đều tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn bay toàn cầu mới được cấp phép bay. Không một hãng hàng không nào có lối đi tắt trong vấn đề này.
Ngoài ra, cách để tăng an toàn cho chính mình là không nên chọn các hãng hàng không bị đánh giá an toàn thấp từ hệ thống của Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA) hoặc theo dõi trên website airlineratings.com. Đồng thời, hành khách nên đọc hướng dẫn an toàn bay vốn được gắn trên lưng ghế trước để nắm các bước thoát hiểm trên máy bay.

Nhìn chung, theo ông Blair Cowles, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IATA về hoạt động an toàn bay: "Từ năm 2009, có 2,5-4 tỉ lượt di chuyển máy bay và số lượng tai nạn ngày càng giảm đi. Chẳng hạn, nếu bạn lên một máy bay mà có khả năng bị tai nạn thì bạn phải bay mỗi ngày trong 241 năm liên tục may ra mới gặp".

Tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm