Dẹp vỉa hè: Cứ hở ra là bị tái chiếm!

Ngày 24-5, theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, trên nhiều tuyến đường tại các quận trung tâm TP.HCM như quận 1, 3, 10 và Tân Bình…, vỉa hè vẫn tiếp tục bị tái chiếm. Trong đó, tình trạng lấn chiếm để giữ xe máy trước các cửa hàng là phổ biến. Riêng việc các bảng hiệu đặt sai quy định về vị trí, kích cỡ đã giảm thiểu rất nhiều.

Hàng rong ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè

Trên nhiều tuyến đường tại quận 1, người dân bày hàng hóa trên vỉa hè để buôn bán, chiếm gần hết lối đi bộ như đường Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Hàm Nghi, Phó Đức Chính… Tình trạng ô tô đậu trên vỉa hè vẫn tiếp tục diễn ra trên đường Trần Hưng Đạo, Phạm Hồng Thái… Trong khi đó, xe máy cũng đậu tràn lan trên vỉa hè ở nhiều nơi, chiếm hết lối người đi bộ.

Nhiều tuyến đường như đường Cô Bắc, dọc hai bên chân cầu Ông Lãnh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Thái Học… chợ tự phát, buôn bán dưới lòng lề đường cũng rộ lên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Tình trạng trên cũng diễn ra ở khu vực quận 3, trên các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Lý Chính Thắng… Riêng khu vực quận Tân Bình, dọc bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và khu vực chợ Phạm Văn Hai, chợ Tân Bình, hàng rong tràn ra dọc lối đi.

Đặc biệt, tại các điểm trước những bệnh viện như Chợ Rẫy, Từ Dũ, Nhi đồng 1, 115, Thống Nhất… hàng rong tập trung dày đặc hai bên đường gây mất trật tự. Tại trường học, công viên cũng không ngớt bóng người bán cóc ổi, xúc xích, cá viên chiên… Khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, họ vội bỏ đi. Sau đó người bán lại tiếp tục bày biện hàng hóa ra để bán.

Vỉa hè đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP.HCM) thông thoáng hai ngày sau khi đoàn công tác quận 1 lặp lại trật tự. (Ảnh chụp ngày 22-2) Ảnh: HOÀNG GIANG

Xe máy đậu tràn lan bít lối đi của người đi bộ trên đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP.HCM). (Ảnh chụp ngày 24-5) Ảnh: HOÀNG GIANG

“Hở ra là họ lại tái chiếm”

Ông Trần Minh Hòa (64 tuổi, ngụ đường Thành Thái, phường 12, quận 10) cho biết: “Đường Thành Thái này hầu như ngày nào cũng có lực lượng chức năng đi tuần tra để dẹp hàng rong, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, những người bán hàng rong chỉ dọn hàng vô lúc có lực lượng chức năng thôi, sau đó đâu lại vào đó. Vì vậy, đường này lúc nào cũng mất trật tự”.

Bà Phạm Thị Minh (50 tuổi, ngụ quận 3) nói thêm: “Khu vực đường Lý Chính Thắng đoạn từ vòng xoay có nhiều người bán hàng rong tụ tập rất lộn xộn. Người đi đường thường xuyên tấp vô mua hàng khiến khu vực trên vốn đã kẹt lại càng kẹt nghiêm trọng. Lúc trước, khi địa phương ra quân dọn dẹp, tôi đã hy vọng là không bắt cóc bỏ đĩa nhưng rõ ràng đến nay đâu vẫn vào đó”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo quận 10 cho biết: “Từ đầu năm nay, quận 10 đã lập ba tổ công tác để tiến hành dẹp hàng rong, lập lại trật tự lòng lề đường. Đến hiện nay ba tổ công tác trên vẫn được duy trì. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn quận có một số điểm nóng về hàng rong như trước cổng BV Nhi đồng, đường Thành Thái, đường Nguyễn Tri Phương…

Tại những điểm này, chúng tôi luôn cử lực lượng đứng gác liên tục. Tuy nhiên, những người bán hàng rong cứ lợi dụng lúc anh em đô thị đi ăn cơm hay vắng mặt một lúc là lại bày biện ra bán. Thấy chúng tôi là họ lại dẹp vào”.

Đại diện lãnh đạo quận 3 cũng cho hay: “Chúng tôi thường xuyên cử lực lượng đi tuần tra, lập lại trật tự lòng lề đường. Với các trường hợp bảng hiệu lấn vỉa hè hoặc xe đậu sai quy định thì chúng tôi xử lý ngay chứ không chần chừ để trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Riêng tình trạng buôn bán hàng rong, từ lúc ra quân chiến dịch đến nay số lượng đã thuyên giảm rất nhiều. Tuy nhiên, không thể nào kiểm soát chặt chẽ vì hở ra là họ lại tái chiếm”.

Những dấu mốc quyết lập lại trật tự vỉa hè

- Đầu năm 2017, TP.HCM ra quân xử lý tình trạng vi phạm trật tự lòng lề đường, vỉa hè, chấm dứt hàng rong để TP trở nên văn minh, sạch đẹp…

- Ngày 20-2, khi chỉ huy “dẹp loạn” vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, tuyên bố: “Nếu không lấy lại được vỉa hè, tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi để nổi tiếng”.

- Ngày 28-2, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã có điện gửi các tổng cục, bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Cảnh sát PCCC các tỉnh, TP trực thuộc trung ương yêu cầu vào cuộc, tăng cường xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

- Sáng 1-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá “Thái độ lập lại trật tự đô thị ở các TP lớn là việc hết sức hoan nghênh” tại phiên họp thường kỳ tháng 2-2017 của Chính phủ.

- Cùng ngày 1-3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ra “tối hậu thư” cho các quận, huyện trong năm 2017 phải giải quyết cơ bản nạn lấn chiếm vỉa hè, kiên quyết không để tái chiếm.

- Ngày 11-3, Bí thư Thành ủy lúc bấy giờ là ông Đinh La Thăng nói: “Quận 1 không thể cô đơn, anh Hải (ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1) không thể cô đơn vì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để giành lại vỉa hè cho người đi bộ”.

- Trong những ngày tiếp theo, các địa phương cũng đồng loạt ra quân xử lý vi phạm vỉa hè. Nhiều nơi vừa quyết liệt xử lý, vừa vận động người dân tự nguyện tháo dỡ những công trình lấn chiếm vỉa hè, lối đi của người đi bộ. TP cũng cho hay cơ quan chức năng lập lại trật tự vỉa hè nhưng không có chủ trương đẩy đuổi người bán hàng rong. Do đó các địa phương cần có những giải pháp bố trí, sắp xếp nơi chốn phù hợp để người dân buôn bán, sinh sống.

- Đến ngày 31-3, tại cuộc họp của UBND TP đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách quý I và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm quý II, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Chúng ta không phải đánh trống bỏ dùi. Chúng ta phải kiên trì chứ không làm theo kiểu phong trào, chiến dịch”.

- Thời gian gần đây, sau khi các đoàn công tác ngừng ra quân, theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, tình trạng tái chiếm vỉa hè đã diễn ra…

Dẹp vỉa hè tốt, được thưởng 1,5 tỉ đồng

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sau các đợt ra quân, trật tự vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn TP.HCM đã có nhiều địa phương có những cách làm hay như quận 1, quận Bình Tân, quận 12, huyện Hóc Môn…

Đặc biệt, riêng huyện Củ Chi đã có hình thức thưởng lớn cho các xã làm tốt công tác tổ chức lại vỉa hè trên địa bàn với mức thưởng rất đáng kể. Trong đó, mức thưởng cao nhất lên đến 1,5 tỉ đồng, ngoài ra còn có các mức thưởng khác như 1 tỉ đồng hoặc dưới 1 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đang kiểm điểm một đội quản lý trật tự đô thị vì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã mắc một số sai phạm, khuyết điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm