Đề xuất đầu tư cao tốc An Hữu - Cao Lãnh gần 7.000 tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận vừa trình Bộ GTVT báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc An Hữu - Cao Lãnh (Tiền Giang - Đồng Tháp). Trong đó, đề xuất đầu tư tuyến cao tốc này theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước

Theo đơn vị nghiên cứu, dự án đường bộ cao tốc An Hữu - Cao Lãnh có chiều dài
33,8 km. Trong đó, phần qua địa phận tỉnh Tiền Giang là 8,4 km, qua tỉnh Đồng Tháp là 25,4 km. Điểm đầu của tuyến cao tốc tại nút giao An Thái Trung, kết nối với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc địa phận huyện Cái Bè (Tiền Giang). Điểm cuối kết nối với tuyến đường tỉnh 856 tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Theo đề xuất của Ban QLDA Mỹ Thuận, dự án đi gần song song với quốc lộ 30 hiện hữu, vượt sông Cái Lân thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang. Sau đó, tuyến tiếp tục vượt qua ĐT850 gần khu dân cư Xẻo Quýt, rồi vượt qua ĐT847 gần cầu Cái Chai và băng qua kết nối liên thông với dự án cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Mỹ An - Cao Lãnh.

Dự án đường bộ cao tốc An Hữu - Cao Lãnh có chiều dài 33,80 km, phần qua địa phận tỉnh Tiền Giang là 8,4 km, qua tỉnh Đồng Tháp là 25,4 km. Đồ họa: HỒ TRANG

Đơn vị nghiên cứu cũng đề xuất chia dự án thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư bốn làn xe, vận tốc
80 km/giờ, với tổng mức đầu tư khoảng 6.944 tỉ đồng (tính cả lãi vay), bao gồm 3.472 tỉ đồng vốn nhà nước và 3.472 tỉ đồng vốn tư nhân.

Dự án này cũng được Ban QLDA Mỹ Thuận đề xuất cho phép áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu như quy định tại Điều 82 Luật PPP. Đồng thời tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Dự án có sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế

Về lựa chọn phương án hỗ trợ dự án, theo Ban QLDA Mỹ Thuận, nếu Nhà nước hỗ trợ 50% (mức tối đa theo Luật PPP) tổng mức đầu tư của dự án thì thời gian hoàn vốn là 27 năm. Trường hợp Nhà nước góp vốn trên 50%, thời gian thu hồi vốn của dự án khoảng 20 năm nhưng lại không phù hợp với Luật PPP và phải xin cơ chế riêng cho dự án tương tự tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.

“Còn nếu Nhà nước hỗ trợ 47% tổng mức đầu tư dự án, thời gian thu hồi vốn sẽ kéo dài tới 30 năm nên rủi ro về tài chính lớn và khó huy động vốn vay cho dự án, vì vậy không hấp dẫn nhà đầu tư. Như vậy, phương án Nhà nước hỗ trợ 50% cho dự án là phù hợp với quy định, ít rủi ro về tài chính, dễ huy động vốn vay nên hấp dẫn nhà đầu tư” - Ban QLDA Mỹ Thuận phân tích.

Dự kiến khi hoàn thành dự án, nhà đầu tư thu hồi vốn qua thu phí, mức phí khởi điểm của tuyến này là 1.700 đồng/xe con/km và được điều chỉnh tăng theo quy định. “Tóm lại, mức giá, phí dịch vụ của dự án cơ bản phù hợp với mức giá, phí dịch vụ tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội thông qua…” - Ban QLDA Mỹ Thuận cho hay.

Việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh theo Ban QLDA Mỹ Thuận sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang chạy theo bờ bắc sông Tiền. Đồng thời đoạn tuyến là một phần tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh để kết nối cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Đồng Tháp) với các cảng biển khu duyên hải, Khu kinh tế Định An.

Tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh với vai trò là hành lang xương sống của trục ngang, khi được đầu tư thông tuyến và hoàn thiện sẽ kết nối các tuyến trục dọc như quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía đông (cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau), cao tốc Bắc - Nam phía tây (đường N2 - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

“Vì vậy, cần thiết đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc An Hữu - Cao Lãnh nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và đất nước…” - Ban QLDA Mỹ Thuận nhấn mạnh.

Theo đơn vị nghiên cứu, nếu được chấp thuận triển khai, thời gian chuẩn bị dự án sẽ diễn ra trong năm 2021-2023; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022-2023; lựa chọn nhà đầu tư tháng 3-2023; cơ bản hoàn thành thông tuyến năm 2025, chuyển tiếp hoàn thành vào năm 2027.

 

Lo lắng nguồn vật liệu cho dự án

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, thực tế triển khai các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2017-2020 cho thấy nguồn cung cấp vật liệu xây dựng gặp phải một số khó khăn, đặc biệt là khan hiếm cát đắp nền. Chẳng hạn, nhiều mỏ ở các tỉnh đang khai thác chưa được hoàn thiện các thủ tục, giấy phép hoặc chưa nằm trong quy hoạch; một số mỏ đủ giấy phép lại có trữ lượng không lớn, chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng.

Đặc biệt là việc triển khai đồng loạt các dự án dẫn đến tình trạng khan hiếm vật liệu, trong khi đó thủ tục cấp phép mỏ theo quy định cần nhiều thời gian (trên sáu tháng). Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, nguy cơ chậm tiến độ thực hiện các dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm