Đề xuất cấm Uber, Grab điều chỉnh giá, tuyển lái xe

Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó, Hiệp hội taxi TP. Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT cần quy định loại hình Uber, Grab này chỉ cung cấp phần mềm và dịch vụ về mặt kỹ thuật để duy trì phần mềm hoạt động;  không thực hiện (kể cả khi được doanh nghiệp vận tải ủy quyền) thông báo và trực tiếp tuyển dụng lái xe và xe, quản lý, thưởng phạt, kỷ luật, chấm dứt hoạt động lái xe.

Taxi truyền thống đang tiếp tục với những kiến nghị nhằm hạn chế hoạt động của loại hình uber, grab.

Đồng thời, không trực tiếp điều hành phương tiện vận tải qua ứng dụng phần mềm, quyết định hành trình xe; không trực tiếp định giá, điều chỉnh giá cước và thu tiền vận tải qua việc trực tiếp thu tiền cước từng lái xe của một hay nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải...

Bên cạnh đó, loại hình Uber, Grab không được lấy vốn của mình từ các nguồn trong và ngoài nước thực hiện các chương trình quảng cáo tuyển dụng lái xe và bù đắp cho các chương trình khuyến mãi giảm giá trực tiếp cho hành khách cũng như dùng để hỗ trợ giá cước cho từng lái xe của một hoặc nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Không được thực hiện hành vi phá giá, lũng đoạn giá cước, chi phối thị trường vận tải.

Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị cần phải có biện pháp mạnh với loại hình Uber, Grab. Cụ thể, thu hồi giấy phép kinh doanh đối với đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử khi vi phạm những quy định trong Nghị định này và các quy định khác có liên quan về thương mại điện tử sau khi đã được các cơ quan quản lý Nhà nước cảnh cáo nhưng vẫn  tiếp tục vi phạm.

Trong khi đó, Hiệp hội taxi Hà Nội, kiến nghị loại hình Uber, Grab khi đi kinh doanh phải đem theo danh sách hành khách. Nguyên nhân, danh sách hành khách là một điểm đặc biệt quan trọng để phân định giữa xe hợp đồng với xe tuyến hoặc xe hợp đồng với xe taxi. Tại Nghị định 86 hiện nay vẫn đang quy định tất cả các xe hợp đồng đều phải đem theo danh sách hành khách. Việc bỏ quy định phải có danh sách hành khách đối với loại xe dưới 9 chỗ chính là việc hợp thức hóa cho Uber, Grab kinh doanh taxi nhưng lại núp dưới bóng xe hợp đồng, tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng giữa hai loại hình vận tải này.

Riêng UBND TP Hà Nội, kiến nghị ô tô sử dụng hợp đồng vận tải điện tử phải có thiết bị in hóa đơn điện tử, phải niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài 2 bên cánh cửa xe, đảm bảo kích thước tối thiểu 300 mm x 200 mm và niêm yết biểu trưng (logo) của đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử trên kính phía trước và kính phía sau xe. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ GTVT bỏ đo lường kẹp chì đồng hồ tính tiền: ”Giá cước taxi phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường”, đơn vị này khẳng định.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  (VCCI), cho rằng cần bớt quy định đối với xe hợp đồng. Việc tổ chức giao thông cần quy định quản lý chứ không hạn chế xe hợp đồng. Quy định cứng nhắc là hạn chế quyền kinh doanh, can thiệp quá đáng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đề nghị thay đổi cách tiếp cận, nếu nó gây gì xấu thì mới hạn chế.

“Việc cạnh tranh chưa bình đẳng giữa Uber, Grab với taxi truyền thống là có, nhưng không đồng tình việc đưa tăng điều kiện xe hợp đồng mà cần giảm điều kiện taxi truyền thống để cùng phát triển và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển…”, ông Đức khẳng định.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm