Đầu tư ở khu đô thị mới Nam TP: Mỏi mòn chờ thủ tục

Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM phản ánh tình trạng người dân khổ sở vì “mắc kẹt” trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu đô thị mới nam TP.HCM do chủ đầu tư thiếu năng lực nên không hoàn thiện hạ tầng. Trong khi đó, ở một góc độ khác, nhiều doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục về bồi thường, chỉ xin chủ trương đầu tư nữa là tiến hành dự án nhưng hồ sơ được chuyển lòng vòng, doanh nghiệp chờ đợi mỏi mòn vẫn chưa có hồi đáp.

Hơn hai năm chưa xong một thủ tục

Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang đầu tư dự án khu dân cư tại lô số 6, khu 9A+B tại khu đô thị mới Nam TP (gọi tắt là khu Nam) với quy mô hơn 56.000 m2.

Theo tài liệu của PV, năm 2009 dự án đã được Ban quản lý khu đô thị mới Nam TP (BQLKN) duyệt quy hoạch 1/500 và hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đến năm 2017, doanh nghiệp này có tờ trình gửi UBND TP, Sở Xây dựng đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư. Tháng 6-2018, ngay sau khi được UBND TP chấp thuận thì Vạn Thịnh Phát đã có tờ trình gửi BQLKN đề nghị công nhận chủ đầu tư dự án.

Sau khi có tờ trình của BQLKN, TP đã giao Sở Xây dựng cùng các đơn vị có liên quan kiểm tra hồ sơ pháp lý, đề xuất để TP xem xét. Tưởng là mọi việc diễn ra suôn sẻ thì ba tháng sau (tháng 12-2018), Sở Xây dựng kiến nghị TP giao Sở KH&ĐT hướng dẫn Công ty Vạn Thịnh Phát thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư 2014 chứ không phải Sở Xây dựng trình. Nghĩa là phải làm lại hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư lại từ đầu.

Đến tháng 3-2019, sau hơn ba tháng, Sở KH&ĐT phải bắt đầu bằng việc đề nghị Công ty Vạn Thịnh Phát cung cấp toàn bộ hồ sơ có liên quan để làm cơ sở hướng dẫn. Tháng 4-2019, công ty này tiếp tục có văn bản gửi Sở KH&ĐT xin chấp thuận “quyết định chủ trương đầu tư” cho dự án. Một tháng sau đó, sở này mới có văn bản gửi đến sáu cơ quan để lấy ý kiến, gồm BQLKN, các sở TN&MT, QH-KT, GTVT, Xây dựng và UBND huyện Bình Chánh.

Phải mất sáu tháng sau (tháng 11-2019), Sở KH&ĐT mới nhận đủ văn bản trả lời của sáu cơ quan nêu trên. Tưởng rằng bước tiếp theo Sở KH&ĐT sẽ trình UBND TP xem xét nhưng tính đến nay là 27 tháng kể từ ngày Sở KH&ĐT tiếp nhận hồ sơ thì doanh nghiệp này vẫn chưa nhận được phản hồi gì từ cơ quan chức năng.

Công ty Phi Long ngang nhiên xây dựng tòa nhà ngay trong công viên dự án khu dân cư Phi Long 5 tại khu chức năng số 9, khu đô thị mới Nam TP. Ảnh: NGUYỆT NHI

Sở 19 tháng hỏi ý kiến, doanh nghiệp hơn ba năm ngồi chờ

Tương tự, Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Sài Gòn Viễn Đông (gọi tắt là Công ty Sài Gòn Viễn Đông) đang thực hiện dự án phát triển nhà ở tại khu chức năng số 6 với quy mô gần 80.000 m2. Doanh nghiệp này đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng và hơn ba năm nay vẫn phải “ngồi chơi xơi nước” với dự án này. Lý do là hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư suốt ba năm nay vẫn chưa được giải quyết.

Bắt đầu từ tháng 5-2018, Công ty Sài Gòn Viễn Đông có tờ trình gửi UBND TP và Sở Xây dựng đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư. Cũng giống Vạn Thịnh Phát, ban đầu UBND TP cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng sau đó phải làm lại quy trình do Sở KH&ĐT trình chứ không phải Sở Xây dựng. Để đến bước này, Công ty Sài Gòn Viễn Đông phải mất bảy tháng đi lại uổng công.

Đến tháng 1-2019, sau khi trách nhiệm tham mưu trình hồ sơ được giao về cho Sở KH&ĐT, doanh nghiệp này phải nộp lại hồ sơ từ đầu theo đề nghị của sở này. Sở KH&ĐT sau đó đã phát văn bản lấy ý kiến góp ý của bảy cơ quan gồm: năm sở Xây dựng, QH-KT, TN&MT, GTVT, Tài chính, BQLKN và huyện Bình Chánh. Thời gian hỏi và nhận đủ văn bản trả lời từ các cơ quan này mất bốn tháng.

Tuy nhiên, đến tháng 6-2019, Sở KH&ĐT lại tiếp tục có văn bản hỏi lần hai liên quan đến vấn đề đất công xen cài trong dự án đến các cơ quan Sở TN&MT, BQLKN và UBND huyện Bình Chánh. Phải mất tiếp bảy tháng mới xong.

Vẫn chưa hết, tháng 6-2020, Sở KH&ĐT lại tiếp tục có văn bản hỏi ý kiến lần ba liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư tới Sở TN&MT, BQLKN và Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà. Gần hai tháng sau thì nhận được phản hồi đầy đủ. Tuy nhiên, đến nay là tròn ba năm, Công ty Sài Gòn Viễn Đông vẫn chưa được giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư.

Khu dân cư lô 13A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh suốt 20 năm nay vẫn chưa xong hạ tầng cơ bản nhất của dự án. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thiếu đầu mối giải quyết thủ tục

Cuối năm 2020, BQLKN đã có văn bản đề nghị Sở KH&ĐT hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai dự án. Trong trường hợp gặp khó khăn khi giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư vượt thẩm quyền thì đề nghị sở này kịp thời báo cáo TP xem xét. BQLKN cũng đề nghị Sở KH&ĐT báo cáo TP chủ trì cuộc họp để nghe các sở, ngành liên quan có ý kiến tham mưu, báo cáo TP xem xét, quyết định. Tuy nhiên, đến nay hơn nửa năm nhưng quyết định chủ trương đầu tư của các dự án nêu trên vẫn chưa được giải quyết.

Theo BQLKN, không chỉ riêng hai nhà đầu tư này mà ban cũng nhận được văn bản của nhiều doanh nghiệp khác có nội dung liên quan tương tự. Tuy nhiên, BQLKN không có thẩm quyền nên không thể giải quyết các vướng mắc này mà phải báo cáo, kiến nghị UBND TP và các sở, ngành có liên quan giải quyết. Vì vậy, việc giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp thường kéo dài.

BQLKN báo cáo TP, vướng mắc lớn nhất chính là không có đầu mối để giải quyết hồ sơ, thủ tục của doanh nghiệp. Cũng theo cơ quan này, kể từ khi Nghị định 11/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị cùng các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đầu tư, Đấu thầu và Luật Doanh nghiệp mới đã ban hành nhưng quy chế tổ chức hoạt động của BQLKN không được điều chỉnh theo. Vì vậy đã phát sinh nhiều bất cập.

Liên quan đến những vướng mắc của khu Nam, đầu tháng 4-2021, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp với BQLKN cùng các sở, ngành và các địa phương có liên quan. Theo đó, ông Bình yêu cầu các sở, ngành rà soát và có văn bản trả lời các kiến nghị của BQLKN trong vòng bảy ngày làm việc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, BQLKN vẫn chưa nhận được phản hồi của cơ quan nào.  

Cụ thể là quy định về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng thay đổi kèm theo thẩm quyền giải quyết đã thay đổi nhưng không được cập nhật vào quy chế. Thẩm quyền của BQLKN và các sở, ngành quy định chồng chéo tại các văn bản quy phạm pháp luật. Cơ chế quản lý nhà nước “một cửa” về đầu tư xây dựng theo quy chế hoạt động của ban không được duy trì. Cùng với đó, việc tổ chức lại các BQL khu đô thị kéo dài, thẩm quyền và trách nhiệm của BQKLN chưa được xác định rõ.

“Từ đó, TP và các sở, ngành vận dụng quy định pháp luật khác nhau, không thống nhất về đầu mối giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm quản lý đầu tư xây dựng đối với khu đô thị mới. Việc giải quyết các thủ tục, kiến nghị của nhà đầu tư phải qua nhiều tầng nấc trung gian, kéo dài thời gian, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Đồng thời, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu đô thị bị hạn chế” - văn bản của BQLKN nêu.•

Kỳ sau: Cần gỡ nhiều điểm nghẽn siêu dự án khu đô thị mới Nam TP.HCM

Đề xuất duy trì mô hình “một cửa, một đầu mối”

Theo BQLKN, từ khi Nghị định 11 có hiệu lực, TP đang có chủ trương sáp nhập ba BQL các khu đô thị Nam TP, Tây Bắc, Thủ Thiêm nhưng hiện nay chưa tiến hành sắp xếp chính thức. Tình trạng của BQLKN hiện nay vẫn một nửa là đơn vị sự nghiệp, một nửa là quản lý nhà nước.

Trước đây, hồ sơ của nhà đầu tư sẽ được tiếp nhận “một cửa, một đầu mối” là BQLKN. Theo đó, các vấn đề về đầu tư, đất đai, quy hoạch đều được tiếp nhận tại đầu mối này. Trao đổi với PV, BQlKN cho rằng cơ quan này có các phòng chuyên môn, phụ trách từng lĩnh vực, sẽ giải quyết nhanh các yêu cầu của doanh nghiệp, khu Nam đủ thông tin để quyết định hoặc tham mưu cho TP quyết định. Còn bây giờ một thủ tục nào đó là phải đưa ra sở chuyên ngành, sở quay lại hỏi BQLKN và rất nhiều sở, ngành, quận, huyện có liên quan vì bản thân các sở cũng không có thông tin. Do đó thời gian giải quyết rất lâu, có khi tính bằng năm, ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.

Trong một báo cáo gửi UBND TP, BQLKN đã liệt kê 13 dự án trong khu Nam với quy mô gần 600 ha đang chờ ý kiến của Sở KH&ĐT cùng các cơ quan có liên quan để chấm dứt pháp lý hoặc tiếp tục triển khai. Với một khu đô thị lớn như khu Nam (2.975 ha), theo BQLKN cần thiết phải có mô hình một cửa, một đầu mối để quản lý khu đô thị này. Đó phải là một ban quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng như trước đây thì mới có thể thực hiện quản lý hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng khu đô thị này.

Vỡ mộng ở khu đô thị mới Nam TP
Vỡ mộng ở khu đô thị mới Nam TP
(PLO)- Sống trong dự án nhà ở “cao cấp” ở khu đô thị mới Nam TP (TP.HCM) nhưng điều kiện sống tối thiểu của người dân không được đảm bảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm