Đầu tư hàng chục ngàn tỉ xây đường trên cao

Ngày 4-2, Sở GTVT TP.HCM cho biết trong năm sẽ hoàn thành cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (quận Tân Bình). Đây là một trong sáu công trình ưu tiên tập trung đầu tư và hoàn thành ngay trong năm 2017 nhằm giảm ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Chọn nhà đầu tư đặc biệt xây đường trên cao

Cũng để giải quyết ùn tắc cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, UBND TP đang xem xét đầu tư tuyến đường trên cao số 1. Tuyến này từ nút giao Lăng Cha Cả (quận Tân Bình) theo đường Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) đến đường Điện Biên Phủ. Tại đây đường tách làm hai, trong đó một nhánh lên xuống đường Điện Biên Phủ và nhánh còn lại theo đường Ngô Tất Tố và kết thúc trước cầu Phú An (quận Bình Thạnh).

Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã đề xuất đầu tư tuyến đường trên cao này dài 9,5 km với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng.

Một liên danh cũng đề xuất làm dự án đường trên cao số 5 từ nút giao quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội đến Tân Tạo - Chợ Đệm (quận Bình Tân) dài hơn 30 km với tổng vốn đầu tư hơn 17.000 tỉ đồng. Ngoài ra, Sở GTVT cũng cho biết đang lên kế hoạch đầu tư tuyến đường trên cao số 4 (quốc lộ 1) - Vườn Lài - vượt sông Vàm Thuật - đường Phan Chu Trinh - khu vực chung cư Mỹ Phước rồi nối vào đường Điện Biên Phủ (giao với tuyến số 1). Tuyến này qua các quận 3, 12, Bình Thạnh và Gò Vấp có điểm đầu giao với tuyến trên cao số 5 (tại quốc lộ 1). Điểm cuối giao với tuyến số 1 (tại đường Điện Biên Phủ). Toàn tuyến dài hơn 7 km, có tổng vốn đầu tư lên đến 20.300 tỉ đồng.

“Theo quy hoạch, TP.HCM có năm tuyến đường trên cao với tổng chiều dài gần 71 km, song đến nay chưa có tuyến nào được đầu tư. Các phương tiện hiện qua khu vực trung tâm, các tuyến trục, vành đai phải giao cắt với các tuyến đường đô thị dẫn đến thường xuyên ùn tắc. Việc đầu tư các tuyến đường trên cao sẽ tăng diện tích mặt đường, giúp phương tiện từ trung tâm đến các cửa ngõ, kết nối liên vùng được xuyên suốt, giảm ùn tắc trên các tuyến đường hiện hữu” - UBND TP thuyết trình và đề xuất Thủ tướng đưa các dự án đường trên cao số 1, số 4 và số 5 vào danh mục các công trình có cơ chế lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Phối cảnh dự án đường trên cao số 1, dự án đang được UBND TP.HCM đề xuất có cơ chế lựa chọn  nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Ảnh: MP

Rồi xuống ngầm

Sở GTVT TP.HCM cho biết đã có nhiều đề xuất thực hiện dự án để cải thiện ùn tắc giao thông tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Trong số này một doanh nghiệp bất động sản đề xuất xây hầm chui tại nút giao Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi (quận Tân Bình) - Tân Sơn Nhất.

Đề xuất này đang được xem xét trong tổng thể quy hoạch chung, song vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, hầm chui ở nút giao An Sương đã được khởi công nhằm đảm bảo giao thông trên trục Trường Chinh - quốc lộ 22 thông suốt. Cũng trên trục này, các quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú đang xúc tiến việc bồi thường giải phóng mặt bằng để phục vụ cho tuyến tàu điện ngầm số 2, trong đó có hơn 9,3 km đi ngầm dưới lòng đất.

Tương tự, nhiều nơi ở công trình xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) đơn vị thi công vẫn tổ chức thi công xuyên Tết. Ở dự án này có 2,6 km đi ngầm qua khu vực trung tâm TP.HCM và gói thầu xây đường ngầm dưới đường Lê Lợi và ga ngầm dưới chợ Bến Thành đã được khởi động. Cụ thể, dưới đường Lê Lợi, giữa ga Bến Thành và ga Nhà hát TP sẽ được phát triển thành đường bộ ngầm, trung tâm mua sắm ngầm. Ở ga ngầm Bến Thành cũng có một trung tâm thương mại và có đường nối thông với không gian bên dưới Công viên 23-9.

Theo Sở GTVT, việc phát triển giao thông ngầm như vừa nêu đã được UBND TP duyệt theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930 ha). Cụ thể, TP.HCM đặt mục tiêu mở không gian ngầm và chuyển xe cộ đi xuống đường ngầm (có kết hợp bãi xe ngầm).

Ngoài đường Lê Lợi, bên dưới đường Nguyễn Huệ, giữa ga Nhà hát TP và đường Tôn Đức Thắng sẽ làm đường bộ, bãi đậu xe và trung tâm mua sắm ngầm. Khi phần ngầm đã phát triển, phần trên mặt đất của những tuyến phố lớn như Lê Lợi, Nguyễn Huệ sẽ dần được chuyển đổi thành khu đi bộ và cấm ô tô, xe máy.

“Trong tương lai, TP.HCM sẽ đầu tư phát triển giao thông ngầm, hệ thống đường trên cao thì lượng xe trên những tuyến đường hiện hữu sẽ thông thoáng hơn” - một lãnh đạo Sở GTVT cho biết.

Lưu ý an toàn, kết nối không gian ngầm

Ở nhiều nước trên thế giới đã phát triển không gian ngầm nằm dưới lòng đường, thậm chí nằm dưới và xuyên qua các tòa nhà.

TP.HCM đang đầu tư các tuyến tàu điện ngầm với nhiều nhà ga ngầm, đoạn đường đi ngầm. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển mạng lưới không gian ngầm. Tuy nhiên, khi phát triển không gian ngầm nên lưu ý đến một số nguyên lý.

Thứ nhất, cần tính toán đến sự kết nối không gian ngầm của các công trình cao tầng ngầm được hình thành trong tương lai, các hệ thống giao thông công cộng ngầm. Việc này sẽ tạo ra mạng không gian ngầm liên thông được với nhau.

Thứ hai, tính toán đến an toàn, ngập lụt. Vì vậy phải xây dựng các không gian trữ chứa nước để đảm bảo không gây ngập úng cho các công trình ngầm.

Thứ ba, không nhất thiết phải xây dựng ngầm hoàn toàn mà là mô hình kết hợp giữa phần đi bộ ở trên và ngầm bên dưới. Thứ nữa là nên khuyến khích dùng vốn xã hội hóa phát triển không gian ngầm.

Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN

_____________________________

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với TP.HCM vào ngày 23-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao các đề xuất phát triển giao thông ngầm ở TP.HCM. Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm có đề án nghiên cứu về ngầm hóa giao thông tại TP.HCM để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm