Đầu tư 30 tỉ sẽ thu về 200 tỉ nhưng không được vì... vướng

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) nói tại buổi hội nghị tổng kết ngành đường sắt năm 2019, ngày 4-1.

Theo ông Vũ Anh Minh, năm 2019 ngành đường sắt có những kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Vài lãnh đạo VNR cho rằng đây là một trong ba giai đoạn khó khăn nhất của ngành đường sắt (đó là vào các năm 1979, 1984 và 2019).

Hiện lĩnh vực đường bộ, hàng không, đường thủy đều có sự tăng trưởng mạnh hằng năm nhưng đường sắt lại oằn mình hàng trăm năm nay. "Nhìn lại quá trình phát triển của ngành, tuyến đường sắt chỉ cắt bớt đi chứ không được xây mới" - ông Minh nói.

Ngành đường sắt đang đối diện với nhiều khó khăn khi nguồn vốn được phân bổ quá ít so với nhu cầu. Ảnh: V.LONG

“Có giải pháp phát triển ngành đường sắt không?”, ông Minh đặt câu hỏi và khẳng định là có. Nhưng để làm được, theo ông khó khăn nhất hiện nay là thay đổi tư duy của những người trong ngành và nhìn nhận của toàn xã hội. Bởi xã hội sẽ tác động đến các cơ quan Chính phủ, Quốc hội… Từ đó tạo điều kiện thúc đẩy ngành đường sắt phát triển.

“Đã đến lúc chúng ta phải điều chỉnh mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để có sự phát triển bền vững. Cả thế giới đều nhìn nhận rằng đường sắt là ngành cần được Nhà nước đầu tư, quan tâm phát triển. Nhưng với nước ta, khó khăn và hạn chế không chỉ do cơ chế, bởi cơ chế không sinh ra con người, mà con người sinh ra cơ chế. Chúng ta có giải pháp nhưng thực hiện được không còn phù thuộc nhiều yếu tố” - ông Minh phân tích.

Ông Minh dẫn chứng, trong ngành hàng không, nhà nước quản lý, đầu tư phần khu vực bay, còn khu vực phục vụ bay do doanh nghiệp khai thác. Trong khi đó, đối với ngành đường sắt, nhà nước quản lý từ hạ tầng đến nhà ga, nên ông Minh cho rằng việc tồn tại trên suốt nhiều năm gây cản trở sự phát triển của ngành. 

“Chúng ta đã nhìn ra những nút thắt, đơn cử chỉ cần hơn 30 tỉ đồng đầu tư sửa chữa ga Sông Lũy (Bình Thuận) sẽ thu về 200 tỉ đồng nhưng ngành không có quyền bỏ tiền vào. Doanh nghiệp muốn đầu tư vào không được vì vướng cơ chế...” - ông Minh chia sẻ.

Cuối cùng, ông Vũ Anh Minh tin tưởng năm 2020, ngành sẽ có những thay đổi. “Chúng ta cũng phải hiểu không phải một sớm một chiều mà cần thời gian, tinh thần đoàn kết, kiên trì tiếp tục thuyết phục, nỗ lực hơn sẽ đem lại thành công…” - ông Minh kết luận.

Năm 2019, trên cả nước xảy ra 257 vụ tai nạn giao thông đường sắt, giảm 3 vụ so với năm 2018, làm 110 người chết, giảm 12 người, bị thương 180 người, giảm ba người. Trong đó, số vụ tai nạn do nguyên nhân chủ quan 10 vụ, do khách quan 247 vụ. Sự cố chạy tàu 1.021 vụ, giảm 284 vụ. 

Ngành đường sắt phấn đấu năm 2020 giảm tai nạn đường sắt ít nhất 5% cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, người bị thương). Tiếp tục triển khai công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt, đẩy mạnh khai thác hàng hóa đi quốc tế. Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tải trọng các cầu yếu còn lại trên tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm