Đầu tư 16 tuyến cao tốc cho phía Nam

Bộ GTVT vừa có báo cáo kết quả quy hoạch năm ngành quốc gia (đường bộ, hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy) về giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có danh mục đầu tư trong 10 năm tới cho các tuyến đường bộ.

Mỗi lần lễ, tết, cảnh kẹt xe kéo dài trên đường cao tốc
TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lại tái diễn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cần số vốn khổng lồ

Theo Bộ GTVT, có bốn nguyên tắc xây dựng danh mục dự án được ưu tiên vốn đầu tư. Thứ nhất là đối với từng vùng cần xác định loại hình vận tải ưu tiên đầu tư dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên và ưu thế của từng phương thức vận tải.

Thứ hai, ưu tiên cân đối và kêu gọi đầu tư cho các dự án động lực, kết nối liên vùng đã được xác định cụ thể trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII. Thứ ba là ưu tiên đầu tư các dự án động lực, cấp bách trên hành lang Bắc - Nam và các vùng kinh tế trọng điểm có đóng góp cho GDP lớn để tạo động lực tăng trưởng, các dự án lựa chọn ưu tiên đầu tư phải chú trọng hiệu quả.

Thứ tư là từng bước nâng cao tỉ trọng đầu tư cho các vùng còn khó khăn, có tỉ lệ đầu tư so với dân số thấp như Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng ĐBSCL.

“Căn cứ các nguyên tắc nêu trên, tư vấn đã xây dựng danh mục các dự án quan trọng quốc gia và dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030, đến năm 2030 sẽ đầu tư khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc (cả nước)” - văn bản của Bộ GTVT nêu.

Cụ thể, riêng vùng Đông Nam bộ, theo Bộ GTVT, trong 10 năm tới sẽ ưu tiên đầu tư tám tuyến đường bộ cao tốc với tổng số vốn cần là 166.815 tỉ đồng. Với vùng ĐBSCL, tới năm 2030 cũng ưu tiên đầu tư tám tuyến đường bộ cao tốc với tổng số vốn hơn 122.700 tỉ đồng.

Giải “cơn khát” cao tốc cho phía Nam

“Đầu tư cao tốc cho phía Nam là quá tốt, nó rút ngắn thời gian, chi phí cho đi lại, hàng hóa và sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế” - PGS-TS Chu Công Minh, giảng viên bộ môn Cầu đường Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết.

Theo ông Minh, riêng về khu vực ĐBSCL, cái khó là suất đầu tư, vốn đầu tư cho cao tốc thường rất lớn vì nền đất yếu, đây cũng là vựa lúa của cả nước nên việc có nhiều cao tốc sẽ giải “cơn khát” cao tốc cho khu vực này, hiện khu vực này chỉ có cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận nên rất thiếu cao tốc.

“Còn với khu Đông Nam bộ kinh tế phát triển, đóng góp GDP cho cả nước rất cao nhưng cũng ít cao tốc. Với 16 tuyến cao tốc trong tương lai, hình ảnh kẹt xe mỗi dịp lễ, tết ở khu vực phía Nam sẽ không còn là nỗi ám ảnh” - ông Minh nói.

“Muốn đi lại thì phải có đường, muốn làm giàu thì phải có đường cao tốc” - ông Minh ví von và lưu ý thêm về việc đầu tư, kêu gọi đầu tư và các vấn đề về hành lang pháp lý liên quan công tác này để hấp dẫn nhà đầu tư hơn.

Đồng tình, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng tạo động lực phát triển. “Một trong những rào cản lớn nhất, nút thắt lớn nhất hiện nay là hạ tầng, là cao tốc. Bất kỳ quốc gia nào khi có các cao tốc thì vùng đó sẽ thay đổi bộ mặt của mình và sẽ phát triển hơn” - ông Long nói.

Tuy nhiên, ông Long cũng nêu quan điểm thêm về việc đầu tư cao tốc như thế nào và chất lượng ra sao cũng quan trọng không kém câu chuyện quy hoạch bao nhiêu cao tốc. “Ngân sách nhà nước thì có hạn, trong khi đó phía Nam với Đông Nam bộ và ĐBSCL còn hạn chế rất lớn về hạ tầng, nên nó cũng hạn chế việc kết nối, giao thông, khiến việc phát triển các tỉnh, TP khu vực này còn hạn hẹp” - ông Long đánh giá.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng cơ quan đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khu vực Tây Nam bộ, cho rằng người dân luôn mong muốn có thêm đường cao tốc, kết nối từ TP.HCM tới Cà Mau và ngược lại. Theo ông Mạnh, có cao tốc thì sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận tải khai thác, vận chuyển hàng hóa và hành khách trên tuyến cố định, đồng thời người dân cũng đi lại dễ dàng hơn, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn.

289.500

tỉ đồng là tổng nhu cầu vốn cho 16 tuyến cao tốc phía Nam. Trong đó, 15 cao tốc đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư), riêng cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sử dụng vốn ODA.

 
 

Chi tiết 16 tuyến cao tốc được ưu tiên đầu tư

Vùng Đông Nam bộ được ưu tiên đầu tư tám tuyến đường bộ cao tốc gồm: cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (từ điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến xã Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, dài gần 60 km, với số vốn 6.900 tỉ đồng); cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (vốn 18.800 tỉ đồng); cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa (điểm đầu Chơn Thành, Bình Phước và điểm cuối ở Đức Hòa, Long An với số vốn 6.800 tỉ đồng); cao tốc TP.HCM - Chơn Thành (TP.HCM đi tỉnh Bình Phước, vốn 21.200 tỉ đồng); cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (TP.HCM đi tỉnh Tây Ninh, vốn 13.600 tỉ đồng); cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (Tây Ninh, vốn 10.350 tỉ đồng); vành đai 3 (vùng TP.HCM, vốn 55.879 tỉ đồng), vành đai 4 (vùng TP.HCM, vốn 33.281 tỉ đồng).

Tám tuyến đường bộ cao tốc vùng ĐBSCL gồm: Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề; Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ; Mỹ An - Cao Lãnh; An Hữu - Cao Lãnh; Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Hà Tiên - Rạch Giá; Hồng Ngự - Trà Vinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm