Đập tam cấp: Lỗi chính quyền, dân lãnh đủ

“Nhà tôi xây dựng đã lâu, có nền nhà nằm ngang với mặt đường Lê Lai lúc đó. Khi thực hiện dự án đường Phạm Văn Đồng, đơn vị thi công hạ thấp mặt đường xuống nên nền nhà tôi trồi hơn vỉa hè 1,3 m. Khi đó, chính đơn vị thi công xây bậc tam cấp cho tôi ra vào nhà. Bây giờ phường yêu cầu phải tự đập bỏ. Họ còn nói các thắc mắc, khiếu nại cũng không được giải quyết” - ông Nguyễn Tiến Hòa ở nhà 104 Phạm Văn Đồng, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM bức xúc.

Bất ngờ nhà trồi hơn cả mét

Bà Nguyễn Thị Tăng ngụ 69 Nguyễn Sỹ Sách, phường 15, quận Tân Bình vừa cho thợ đục khoảng sân trước nhà cho thấp xuống để thuận tiện cho việc ra vào. Bà Tăng nói: “Theo yêu cầu của phường, tôi đã đập bục dắt xe trước nhà nên bây giờ phải hạ mặt sân xuống cho dễ ra vào. Nhưng đập mà thấy ấm ức bởi chúng tôi đâu có lỗi”.

Tuy vậy, căn nhà 67 Nguyễn Sỹ Sách nằm sát vách nhà bà Tăng khá ngắn, lại là nhà cao tầng, bị vướng đà kiềng bên dưới nên không hạ nền xuống được. Bà Tăng kể: “Trước đây chúng tôi đã hiến đất để Nhà nước mở rộng đường. Khi đó, tôi đi hỏi cốt nền đường để xây nhà thì không được trả lời. Trong giấy phép xây dựng, họ cũng không khuyến cáo nên tôi xây nhà cao hơn mặt đường lúc đó khoảng 30 cm trừ hao. Ai ngờ tuyến đường khi làm xong lại hạ xuống. Thế là hàng chục nhà hai bên đường này bất ngờ nhô cao so với mặt đường, trong đó có nhà cao hơn đường nửa mét”.

Ông Nguyễn Văn Sinh ngụ đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình cho biết nhà ông bị giải tỏa một phần để mở rộng đường. Sau khi bàn giao mặt bằng, năm 2013 ông xin phép xây lại nhà. “Khi xin phép xây dựng tôi được quận hướng dẫn nên làm nền nhà cao hơn vị trí tim đường hiện hữu khoảng nửa mét. Đường này vốn thường xuyên bị ngập khi mưa nên tôi xây nhà theo hướng dẫn trên. Ai dè khi làm đường, họ hạ cao độ mặt đường xuống khiến nhà tôi cao chót vót. Bây giờ kêu đập bậc tam cấp, bục dắt xe là bất hợp lý” - ông Sinh lắc đầu.

Nền đường hạ xuống khiến căn nhà 67 Nguyễn Sỹ Sách, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM trồi cao và người dân rất vất vả khi ra vào nhà. Ảnh: MP

Đẩy khó cho dân

Theo ghi nhận của PV, việc hạ cao độ mặt đường như trên xảy ra nhiều nơi như ở đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh), đường Bạch Đằng (quận Tân Bình), đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp)… Tuy nhiên, nhiều nhất là đường Phạm Văn Đồng đoạn qua phường 3, quận Gò Vấp. Tại khu vực này cũng dễ dàng ghi nhận được những dấu vết của việc đập phá bục dắt xe, bậc tam cấp mới xảy ra.

Ông Nguyễn Tiến Hòa chỉ vào căn nhà của mình ở 104 Phạm Văn Đồng nói: “Nhà tôi cao hơn vỉa hè 1,3 m, nhà kế bên cao hơn đường 1,6 m và có nhà cao kỷ lục lên đến 1,8 m. Bây giờ bắt tôi đập bậc tam cấp, làm sao tôi vào nhà? Chưa kể họ chỉ kêu đập mà không có hướng dẫn người dân làm sao cho đúng luật, đảm bảo mỹ quan đô thị và việc ra vào nhà được an toàn là đẩy cái khó về cho dân”.

“Tôi đề nghị cần xem xét lại việc này. Khi yêu cầu người dân đập bỏ tam cấp thì phải có mẫu thiết kế chung để người dân ra vào nhà cho an toàn nhưng đảm bảo mỹ quan, tránh tình trạng mỗi người biến tấu một kiểu, vừa nhếch nhác vừa không an toàn” - ông Hòa yêu cầu.

TP.HCM cần hướng dẫn cụ thể

Trong đợt cao điểm “giải cứu vỉa hè”, chúng tôi vận động người dân tự tháo dỡ tất cả bậc tam cấp, bục dắt xe lấn chiếm vỉa hè. Làm vậy có khi cứng nhắc nhưng làm chỗ này mà không làm chỗ khác thì sẽ bị người dân đặt vấn đề rồi khiếu kiện, phản đối.

Thực tế nhiều nhà có nền rất cao so với mặt đường và khi phá bỏ, người dân lại xây dựng các bục dắt xe, bậc tam cấp di động, cũng là một kiểu lấn chiếm. Chưa kể các bục dắt xe, bậc tam cấp di động tạm bợ này gây mất mỹ quan, làm gia tăng nguy hiểm cho người đi bộ. Nó còn gây khó khăn, nguy hiểm cho người dân khi dắt xe ra vào nhà nhưng chúng tôi lúng túng khi xử lý.

Tôi cho rằng các trường hợp lấn chiếm quy mô lớn thì cương quyết phá bỏ nhưng cần tính lại với những bục dắt xe chỉ nằm trên vỉa hè khoảng 20 cm, không ảnh hưởng đến người đi bộ. TP.HCM có cho dùng một phần vỉa hè (đủ điều kiện) để xe thì các bục dắt xe ở nhiều nơi, như ở nơi nền đường hạ thấp thì xem xét cho tồn tại. Để có sự thống nhất, đề nghị UBND TP.HCM có hướng dẫn, chỉ đạo chung về việc xử lý các bục dắt xe này.

Lãnh đạo UBND một quận (đề nghị không nêu tên)

Xem xét hợp lý thì cho tồn tại

Khi thực hiện việc cao điểm xử lý lấn chiếm, các địa phương, trong đó có phường 3 đi tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ các bậc tam cấp, bục dắt xe để trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè. Tuy nhiên, nhiều bậc tam cấp, bục dắt xe ở nhà dân hai bên đường Phạm Văn Đồng, trên địa bàn phường 3, quận Gò Vấp được hình thành là giải pháp tình thế khi đào nền đường để thực hiện dự án đường Phạm Văn Đồng. Do vậy, khi xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thì phải xem xét đến sự đặc thù này.

Khi phường 3 vận động, các hộ dân nếu thấy việc phá bỏ các bậc tam cấp, các bục dắt xe không ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của gia đình thì nên thực hiện. Còn ngược lại thì phường nên cho tồn tại, đến khi người dân sửa chữa, xây dựng lại nhà thì yêu cầu cân đối về độ cao của nền nhà, vỉa hè và tháo bỏ các bậc tam cấp, bục dắt xe.

Ông LÊ HOÀNG HÀ, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm