Cười ra nước mắt với nghề sale bất động sản

Trong năm qua, hẳn nhiều người không thể quên câu chuyện của Tập đoàn Địa ốc Alibaba đình đám với hàng ngàn nhân viên sale (nhân viên kinh doanh) chỉ trong phút chốc sụp đổ khi tháng 9-2019, CEO Nguyễn Thái Luyện bị công an bắt giữ.

Trong cơn mưa chiều 18-9-2019, khi công an đang bao vây trụ sở tập đoàn này trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, TP.HCM), rất nhiều nhân viên sale trong nỗi hoang mang vẫn đứng dưới trời mưa cố gắng giải thích, bảo vệ cho công ty trước sự truy vấn của khách hàng.

Nghề sale điêu đứng vì dự án ma

Nhiều nhân viên sale Alibaba lúc ấy đứng cạnh tôi có người sành sỏi nghề, có người là sinh viên mới ra trường đã nhanh chóng nhập cuộc vào sân chơi được giới thiệu là trải đầy hoa hồng - làm sale bất động sản (BĐS). Tất cả đều cùng chung tâm trạng lo lắng và thất vọng.

“Chắc là công ty giải tán rồi, mai bỏ đồng phục, kiếm nghề khác làm thôi” - câu nói đầy tâm trạng của một nhân viên sale Alibaba chiều hôm ấy cũng là cảnh ngộ chung của hàng ngàn nhân viên Alibaba sau này.

Sau vụ sụp đổ của Alibaba, nhân viên sale của tập đoàn người tìm công ty mới, người về quê và bỏ luôn số điện thoại họ đã từng dùng để thuyết phục những người mua dự án bánh vẽ của công ty.

Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, là người đã cùng một số nạn nhân đồng hành với phóng viên Pháp Luật TP.HCM những ngày tham gia đấu tranh với Công ty Alibaba đòi quyền lợi. Ông cho biết: “Nạn nhân thì tiền mất tật mang, còn sale Alibaba thì tứ tán. Có người trốn luôn, không dám gặp ai vì đa số họ đã chào mời những người thân quen của chính mình mua dự án Alibaba”.

Giới thiệu nhà cho khách hàng tại một dự án mới ở TP.HCM. Ảnh: HTD

“Dư chấn” từ sự kiện Alibaba và hàng loạt dự án ma khác trong năm qua đã khiến nhiều người mất niềm tin với nhân viên sale BĐS. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người làm nghề nghiêm túc. Nghề sale bước vào thời kỳ khó khăn, thậm chí bị đe dọa. Đáng mừng là bên cạnh đó còn nhiều công ty làm ăn chân chính và nhân viên của họ có thể sống tốt dù thị trường nhiều sóng gió.

“Chúng tôi chọn sản phẩm thị trường ngách và nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các đối tác nên năm nay đạt 80% KPI (chỉ tiêu) bán hàng. Do đó, chúng tôi tự tin hướng đến kế hoạch trong năm 2020 sẽ thành công hơn nữa. Thu nhập của chúng tôi ổn định, dao động khoảng 15-20 triệu đồng/tháng” - anh Nguyễn Hoàng Việt, một sale BĐS lão luyện đang bán các sản phẩm biệt thự biển và các BĐS phụ trội khác, cho biết.

Theo anh Việt, năm 2019 đúng là một năm rất nhiều thách thức với các công ty phân phối BĐS; các loại hình, nguồn cung sơ cấp sụt giảm, giá cả tăng mạnh dẫn đến chi phí bán hàng tăng; thị trường thứ cấp giá chào bán tăng cao nên thanh khoản cũng giảm mạnh, dẫn đến thu nhập từ nghề môi giới giảm đáng kể.

Nghề sale phải chuyển mình

“Quy mô thị trường sụt giảm, sản phẩm ít thì chắc chắn dân sale không có cái để bán. Ngoài ra còn phải nói đến công nghệ hiện đại đang đe dọa nghề sale truyền thống. Bây giờ chủ đầu tư bán hàng qua công nghệ như trợ lý ảo, mô hình ảo và tất cả đều qua công nghệ” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, chia sẻ.

Theo ông Châu, việc các công ty môi giới dùng hình thức truyền thống khi bán hàng như tổ chức sự kiện, gọi điện thoại, cho nhân viên sale tư vấn tận nơi… khi có dự án mới đang dần mai một. Thay vào đó, công nghệ đang thay thế tất cả công đoạn này. Ví dụ, khách muốn tìm hiểu một dự án thì chỉ cần có điện thoại thông minh là mô hình, hình thức thanh toán, tư vấn chi tiết, trợ lý ảo… đều được hiển hiện ngay trước mắt.

“Ngoài ra, nghề môi giới BĐS là một trong 10 nghề bị tác động nhiều nhất trên thế giới vì cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Hiện nay thị trường đã có những chủ đầu tư tự bán sản phẩm của mình thay vì qua các đại lý môi giới. Ước tính việc này làm mất đi 7%-8% phần việc của sale nên nghề môi giới sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn” - ông Châu phân tích.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Lâm, CEO Công ty DKRA Việt Nam (cũng là một công ty phân phối BĐS), cho rằng dù đang bị đe dọa nhưng nhân viên sale và đại lý sale BĐS vẫn có đất sống nếu đáp ứng được sự chuyên nghiệp và đáng tin cậy.

“Nghề sale BĐS có lợi thế riêng, bởi mua nhà không giống như ra chợ mua rau. Sale có ưu điểm về chăm sóc khách hàng, theo chân khách hàng thường xuyên… Có thể nói đây là thời điểm sàng lọc, là cơ hội để các nhân viên môi giới trưởng thành, chuyên nghiệp hơn” - ông Lâm nói.

Vấn đề người trẻ lao vào BĐS cũng được đề cập và cảnh báo tại buổi ra mắt cuốn sách Triệu phú môi giới BĐS diễn ra tại TP. HCM. Dịp này, một số bạn trẻ đặt câu hỏi: “Sinh viên mới ra trường, chưa xin được việc làm liệu có phù hợp với nghề môi giới BĐS?”.

Trả lời, bà Tara Le, CEO Công ty CP BĐS Keller Williams Việt Nam, chia sẻ: Làm sale BĐS tại Việt Nam là một nghề khá hấp dẫn với người trẻ bởi thu nhập cao. Tuy nhiên, bước vào nghề này có nhiều thách thức, trong đó có thách thức xuất phát từ chính bản thân những người làm nghề như lối suy nghĩ làm tạm bợ, ăn xổi ở thì, không có mục tiêu lâu dài, chỉ nghĩ mình là cò đất, không trân trọng nghề và đầu tư phát triển kỹ năng làm nghề.

Theo quan điểm của chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, điều này chính là tử huyệt của những người làm nghề sale. “Như bất cứ ngành nghề nào khác, muốn trụ vững và thành đạt với nghề thì các nhân viên sale phải bồi đắp kiến thức trong lĩnh vực BĐS cho mình, tiếp cận công nghệ và quan trọng nhất là giữ được chữ tín” - ông Châu nói.

Năm 2019, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết cả nước có khoảng 300.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS nhưng chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề. Vấn đề về cấp phép hành nghề cho những người làm công việc môi giới BĐS đã nhiều lần được đặt ra nhằm hướng tới xây dựng tính minh bạch và độ xác tín cho công việc này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm