Có thêm đường băng, Tân Sơn Nhất sẽ đạt 70 triệu khách

“Chúng tôi đã báo cáo hai phương án với Thủ tướng, đều mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) lên phía Bắc. Một là giữ nguyên hai đường băng hiện hữu, hai là mở thêm đường băng thứ ba. Phương án của chúng tôi có nhiều điểm khác với phương án do đơn vị tư vấn ADPi Engineering (Pháp) đưa ra ngày 27-2” - PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, ĐH Bách khoa TP.HCM, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Ba giai đoạn mở rộng TSN

. Phóng viên:Xin ông cho biết cụ thể về các phương án được nhóm chuyên gia đề xuất sau hơn nửa năm khảo sát, nghiên cứu?

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống

+ PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (ảnh): Đề xuất của nhóm tư vấn gồm ba giai đoạn.

- Năm 2018-2020: Xây nhà ga T3 với công suất 10 triệu khách/năm tại phía Nam để đáp ứng nhu cầu trước mắt trong vài năm tới. Song song đó, quy hoạch và xây dựng đường vành đai xung quanh sân bay; thuê tư vấn quốc tế thiết kế Cảng hàng không quốc tế TSN đạt năng suất tối đa.

- Năm 2020-2022: Xây nhà ga hành khách T4 ở phía Bắc, công suất 20 triệu khách/năm; đường lăn, bãi đỗ theo phương án 1 nhưng dịch ra phía Bắc nhiều hơn để dành chỗ làm đường băng thứ ba; cải tạo và mở rộng các nhà ga hành khách T1, T2 và T3 ở phía Nam, nâng tổng công suất lên 55 triệu khách/năm.

- Năm 2022-2025: Xây đường băng thứ ba dài 2.400 m theo phương án 2. Hoàn thiện hệ thống đường lăn, sân đỗ đồng bộ với đường băng thứ ba; mở rộng nhà ga hành khách T4 phía Bắc đạt công suất 35 triệu khách/năm để nâng tổng năng suất bốn nhà ga lên 70 triệu khách/năm.

. Ngày 27-2, báo cáo với Bộ GTVT, Công ty ADPi đề xuất phương án ưu tiên để đạt công suất 50 triệu khách/năm là cải tạo đường băng hiện có, xây dựng nhà ga ở phía Nam. Phía Bắc sẽ làm khu đỗ máy bay, ga hàng hóa. ADPi cũng khuyến cáo không nên xây đường băng thứ ba (xem Pháp Luật TP.HCM ngày 28-2). Ông có ý kiến gì?

+ Các dự báo gần đây đều cho thấy nhu cầu vận chuyển hành khách qua sân bay TSN vào năm 2025 rất cao. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo 77,6 triệu khách, nhóm nghiên cứu ĐH Bách khoa là 79 triệu khách. Do đó, với phương án công suất 50 triệu khách/năm của ADPi thì đến năm 2021 sân bay TSN không còn đáp ứng được nhu cầu hành khách. Điều đó sẽ gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho TP.HCM và cả nước.

Mặt khác, việc tập trung nhà ga ở phía Nam theo phương án này thì hành khách đi lại thuận tiện bên trong sân bay nhưng khi vào/ra sân bay sẽ rất bất tiện vì bị kẹt xe. Hành khách ra/vào hai nhà ga cũ T1, T2 vẫn chủ yếu theo đường Trường Sơn. Còn hành khách ra/vào nhà ga mới T3 ở phía Nam đi qua đường Hoàng Hoa Thám và Cộng Hòa sẽ tiếp tục làm tắc nghẽn giao thông vùng phía Nam và Tây Nam sân bay, đặc biệt là ở đường vòng cung từ Cộng Hòa qua Hoàng Văn Thụ đến Phan Đăng Lưu và trầm trọng nhất là ở giao lộ Trường Chinh-Cộng Hòa.

Tôi cho rằng phương án này không phù hợp với quy hoạch phát triển vùng đô thị quanh sân bay và kết nối giao thông xung quanh sân bay, mà chỉ là giải pháp tạm với mục đích ít tốn kinh phí đầu tư trước mắt. Tuy nhiên, phương án này sẽ gây tốn kém rất lớn về mặt kinh tế-xã hội khu vực ngoài sân bay và cũng chỉ vài năm sau đó phải có giải pháp khác nữa để tăng năng suất sân bay TSN.

Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, việc tập trung nhà ga ở phía Nam sẽ khiến hành khách vào/ra sân bay TSN rất bất tiện vì bị kẹt xe. Ảnh: hoàng GIANG

Thành lập cụm cảng kết nối

. Vậy ông còn băn khoăn, kiến nghị điều gì trước kế hoạch lớn này?

+ Thứ nhất, việc phát triển vùng đô thị sân bay xung quanh sân bay TSN cần được nghiên cứu, quản lý và quy hoạch để triển khai trong giai đoạn phát triển kinh tế kế tiếp của TP.HCM nhằm mang lại hiệu quả tích hợp cho TP và khu vực phía Nam.

Ngoài ra, khi cải tạo, mở rộng sân bay TSN thì cần nghiên cứu việc thành lập cụm cảng hàng không TSN - Biên Hòa kết hợp dân sự, quân sự nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực phát triển trung tâm hàng không lớn nhất Việt Nam. Sân bay Biên Hòa ở vị trí kết nối rất tốt giữa đường hàng không với đường bộ, đường sắt và metro. Khi đó sân bay TSN phục vụ các chuyến bay quốc tế và các chuyến bay nội địa đường dài, còn sân bay Biên Hòa phục vụ các chuyến bay nội địa đường ngắn và vận chuyển hàng hóa.

Thứ ba, sân bay Cần Thơ hoàn toàn đủ sức đón nhận các máy bay lớn để có thể đảm nhận vai trò sân bay dự phòng cho sân bay TSN khi cần thiết. Việc phát triển sân bay Cần Thơ để thường xuyên có những chuyến bay quốc tế với máy bay lớn là cần thiết và đạt hiệu quả kinh tế. Khi đó sân bay Cần Thơ và sân bay TSN là sân bay dự phòng của nhau.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm