Chuyện lạ miền Trung: Không đi đường vẫn trả phí BOT

Trạm thu phí BOT Quảng Trị đặt tại Km 763+800 quốc lộ (QL) 1A trên địa bàn xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong. trạm nằm giữa TP Đông Hà với ba huyện thị phía Nam tỉnh Quảng Trị.

Hàng ngàn tài xế né trạm, gây tai nạn

Từ 13-12-2016, mức phí mới đối với các loại phương tiện qua trạm này được điều chỉnh tăng lên từ 15.000 đồng đến 40.000 đồng/mỗi loại phương tiện. Lý do được cho là để hoàn vốn cùng lúc cho hai đoạn QL1 đã được mở rộng (gồm đoạn từ TP Đông Hà đến thị xã Quảng Trị và đoạn từ Dốc Miếu thuộc huyện Gio Linh đến TP Đông Hà).

Hằng ngày người dân các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị chạy ra TP Đông Hà để làm việc, kinh doanh. Họ chỉ đi qua một đoạn đường từ TP Đông Hà đến thị xã Quảng Trị nhưng lại phải trả phí luôn cho cả đoạn từ Dốc Miếu (huyện Gio Linh) đến TP Đông Hà.

Trước tình trạng thu bất hợp lý này, ô tô, xe tải rồng rắn nối đuôi nhau né trạm chạy vào đường dân sinh thuộc xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong. Tuyến đường bê tông này rộng gần 5 m, hằng ngày phải oằn mình gánh chịu khoảng 1.000 lượt xe các loại đi qua.

Vì đường hẹp, lượng xe né trạm thu phí tăng đột biến nên thường xuyên xảy ra tình trạng tai nạn, kẹt xe. Đường dân sinh nát bét khiến người dân rất bức xúc. Đặc biệt, trên tuyến này có trụ sở UBND xã Triệu Giang, trường học, chợ… tập trung đông người qua lại nên rất nguy hiểm.

“Tài xế chúng tôi ở đây thường chỉ đi ra TP Đông Hà để giao hàng rồi trở vào nhưng cũng phải trả phí của cả đoạn đường ở phía Bắc TP Đông Hà là hoàn toàn vô lý. Chúng tôi cũng không muốn phải trốn trạm làm gì, chỉ mong chủ đầu tư có mức thu hợp lý” - ông Nguyễn Phước Hạnh, tài xế xe đông lạnh, trú xã Hải An, huyện Hải Lăng, nói.

Trong khi đó ông Bùi Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, cho biết người dân trong xã rất bức xúc với tình trạng ô tô đi vào con đường dân sinh này. Mỗi ngày bình quân trên 1.000 lượt xe né trạm thu phí, cao hơn thời điểm lúc chưa tăng mức thu phí khoảng 300 lượt xe.

Ông Hùng cho hay: “Đã xảy ra khoảng 30 vụ tai nạn trên đường làng do ô tô né trạm thu phí. Mới đây có một vụ tai nạn khiến một người tử vong. Còn gà, vịt của người dân đi ngang đường bị ô tô cán chết rất nhiều”.

Đề nghị chuyển vị trí đặt trạm

Trước bức xúc của người dân về vị trí đặt trạm thu phí, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính đề xuất: Một là giảm giá thu phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí BOT Quảng Trị. Hai là chuyển trạm thu phí BOT hiện tại đến vị trí giáp ranh giữa huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). Việc chuyển trạm thu phí đến vị trí mới vẫn đảm bảo khoảng cách với Trạm thu phí Phú Bài (Thừa Thiên-Huế) theo quy định.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho hay: “Tỉnh đã họp và thống nhất đề nghị rồi nhưng Bộ GTVT vẫn đang đàm phán với nhà đầu tư”.

Ông Nguyễn Đức Chính cũng cho biết việc hàng ngàn xe tải mỗi ngày chạy né trạm thu phí sẽ dẫn đến làm hư hỏng đường. Tuy nhiên, chính quyền không thể cấm phương tiện lưu thông được...

Hai trạm ở Quảng Nam, Huế cũng gây bức xúc

Theo ghi nhận của PV, trong vòng chưa tới 30 phút, tại tuyến đường tránh vào thôn Thanh Quýt 3 (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) có đến hàng chục xe tải nhỏ, ô tô đi vào con đường này để né trạm thu phí. Trạm này do Công ty CP Xây dựng công trình 545 làm chủ đầu tư, nằm cách đường dân sinh nói trên chưa tới 20 m.

Ông Lê Tự Đợi, Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Trung, cho biết: “Do số lượng xe đi quá lớn nên đường dân sinh luôn hư hỏng. Địa phương cho dặm vá nhưng sau một thời gian ngắn mặt đường lại xuống cấp. Ngoài ra, địa phương cũng đã cắm các biển báo để cấm xe nhưng các tài xế vẫn không chấp hành. Hiện thị xã Điện Bàn đã cho khảo sát để xây dựng con đường mới. Xã đã nhận rất nhiều ý kiến của bà con nhưng trong quyền hạn, xã chỉ có thể báo cáo lên cấp trên để có biện pháp giải quyết”.

Còn trạm thu phí Bắc Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế), thu hoàn vốn đầu tư hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia do Công ty CP Phước Tượng-Phú Gia (BOT) làm chủ đầu tư, cũng khiến người dân bức xúc vì cho rằng trạm đặt sai vị trí. Theo đó, vị trí đặt trạm thu phí này nằm ở phía Nam của hai hầm Phước Tượng và Phú Gia (phía Bắc hầm Hải Vân) nên nhiều người dân và phương tiện chỉ đi từ thị trấn Lăng Cô vào Đà Nẵng (ngược lại Đà Nẵng-Lăng Cô) dù không qua hai hầm nói trên nhưng vẫn phải trả phí.

Sau thương lượng, chủ đầu tư quyết định chủ phương tiện tham gia giao thông có hộ khẩu, sinh sống, làm việc tại thị trấn Lăng Cô khi qua trạm sẽ không thu phí. Còn các tài xế không có hộ khẩu tại thị trấn Lăng Cô khi đến chuyên chở hàng hóa tại cảng hay đi du lịch tại vịnh Lăng Cô thì đều phải trả phí…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm