Chuyên gia nói về tư vấn Trung Quốc nghiên cứu làm đường sắt

Bộ GTVT mới đây có buổi làm việc với UBND TP Hải Phòng, Hưng Yên và tỉnh Hải Dương về phương án quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo Viện khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc (đơn vị tư vấn), tuyến đường sắt này dài khoảng 392 km, trong đó đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km.

Tuyến đường sắt sẽ đi qua tám tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư từ năm 2004

Theo thiết kế, trên tuyến sẽ xây dựng 73 cây cầu lớn với chiều dài hơn 130 km, 25 hầm, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Dự báo năng lực vận tải là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày. Với vận tốc dành cho tàu khách là 160 km/giờ, tàu hàng là 90 km/giờ.

Do cần phải hình thành hành lang vận tải hành khách, hàng hóa lượng lớn, đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng trong tương lai, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu hai phương án xây dựng.

Thứ nhất, cải tạo đường hiện có thành đường khổ lồng (thêm khổ đường 1.435 mm), phương án hai giữ nguyên hiện trạng tuyến cũ và xây dựng tuyến mới khổ tiêu chuẩn (1.435 mm). Qua phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, đơn vị tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án hai.

Theo ước tính của đơn vị tư vấn, tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 100.000 tỉ đồng, diện tích sử dụng đất toàn dự án khoảng 1.654 ha.

Liên quan đến các báo cáo của tư vấn về dự án này, trao đổi với PLO, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông, khẳng định việc đầu tư tuyến đường trên vào thời điểm này là chưa cần thiết. Nguyên nhân là các tỉnh phía Bắc về Hà Nội và ra Hải Phòng hiện được đầu tư nhiều tuyến đường mới, đặc biệt các tuyến đường bộ cao tốc. Bên cạnh đó, lưu lượng hàng hóa lưu thông qua các tỉnh trên cũng chưa lớn đến mức phải đầu tư xây dựng một tuyến đường sắt với số tiền lớn như vậy.

“Tôi cho rằng bỏ ra 100.000 tỉ đồng là vô lý và không phù hợp. Dù kêu gọi tư nhân hay vay vốn ODA thì cuối cùng người dân cũng phải chi trả…”, ông Đức nói. Vị chuyên gia này cũng nghi ngờ về con số dự kiến 100.000 tỉ đồng và đề nghị Bộ GTVT cần thuê tư vấn độc lập, không nên dựa vào các số liệu của tư vấn Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng Việt Nam không nghèo đến mức không có tiền để nghiên cứu.  Tuyến đường sắt này rõ ràng khi hoàn thành rất có lợi cho hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam. Nếu để họ nghiên cứu thì nhắm mắt cũng có thể đoán được tính hiệu quả kinh tế của dự án”, TS Đức nhận định.

Cũng theo ông Đức, thay vì tập trung vào tuyến đường sắt này, Bộ GTVT cần cải tổ ngành đường sắt. Đồng thời quan tâm phát triển mạng lưới giao thông từ TP.HCM kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như kiến nghị của các ĐB Quốc hội thời gian qua.

Trước đó, trả lời báo chí, TS kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng việc xây dựng dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ở thời điểm này là chưa cần thiết nếu không muốn nói là lãng phí.

Theo nữ chuyên gia kinh tế, ngành giao thông đang quá quan tâm đến đầu tư nối đường sắt lên các tỉnh phía Bắc. "Trong khi đó, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, cả một vùng miền Nam đang là động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước, quan trọng hàng đầu thì lại đầu tư rất chậm. Có những dự án cam kết bao nhiêu lâu nay vẫn không có tiền hoặc tiền về rất chậm. Điều này rất vô lý”, bà Lan nêu quan điểm.

                Trung Quốc cho vay 10 triệu nhân dân tệ

Được biết, dự án nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là thỏa thuận giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc. Theo đó, phía Trung Quốc cho Việt Nam vay 10 triệu nhân dân tệ để nghiên cứu tuyến đường sắt này.

Sau khi tư vấn hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, bản quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ trình Bộ GTVT và các cấp có thẩm quyền xem xét. Theo lộ trình, tuyến đường sắt này được chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2020-2025 và xây dựng sau năm 2025.

Theo quy hoạch giao thông vận tải đường sắt, đến 2020 nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đến 2030 sẽ xây dựng các tuyến đường sắt khổ 1,435 m, điện khí hóa tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài 380 km, Hà Nội - Đồng Đăng dài 156 km.

Hiện đường sắt phía Trung Quốc chủ yếu là khổ tiêu chuẩn 1.435 mm và chỉ duy trì đường sắt khổ hẹp 1.000 mm, đường lồng (gồm cả khổ 1.000 mm và khổ 1.435 mm) tại một số tuyến ngắn, nhà ga khu vực biên giới giáp Lào Cai. Trong khi đó, đường sắt từ Lào Cai đi Hải Phòng ở Việt Nam vẫn là đường khổ 1.000 mm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm