Chủ tịch TP Hà Nội: Viwasupco đã 'giấu giếm sự việc'

Sáng 4-11, HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội. Tại đây, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về vấn đề an toàn thực phẩm, trong đó có nước sạch cho hàng triệu người dân thủ đô được quản lý, bảo đảm như thế nào.

Đặc biệt liên quan đến vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu, TP có những biện pháp gì để ứng phó với các sự cố mất an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn?

Giải trình về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay Nhà máy nước sạch sông Đà - Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) là nhà máy đầu tiên cung cấp nước cho TP được xây dựng ở tỉnh ngoài.

Sau khi phát hiện vụ việc, ông đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của TP vào cuộc kiểm tra, lấy mẫu và gửi đến các cơ quan xét nghiệm của Bộ Y tế. Đồng thời, tổ chức điều tiết nước sạch từ nhà máy khác cho một số khu vực tại quận Hà Đông và huyện Quốc Oai.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Theo ông Chung, qua kiểm tra mới phát hiện Nhà máy nước sạch sông Đà là nhà máy duy nhất trong tất cả nhà máy cấp nước cho cư dân Hà Nội không có hệ thống quan trắc nguồn nước đối với nguồn nước đầu vào.

“Từ nhà máy nước mặt sông Đuống đến các nhà máy xử lý nước ngầm trên địa bàn đều có hệ thống quan trắc tự động. Riêng nhà máy sông Đà sử dụng công nghệ cũ, lại sử dụng chung hồ Đầm Bài (để làm bể lắng bùn - PV), nên không có hệ thống quan trắc tự động đối với nguồn nước đầu vào, mặc dù nhà máy này vẫn lấy mẫu xét nhiệm thường xuyên” - ông Chung nói.

Chủ tịch TP Hà Nội cũng thẳng thắn cho rằng trong vụ việc trên, TP cũng có trách nhiệm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh trách nhiệm chính là do Viwasupco đã “giấu giếm sự việc”. Họ biết vụ việc từ đầu và đã chỉ đạo công nhân cho rất nhiều clo để xử lý. Thậm chí, đến ngày 15-10, khi TP công bố kết quả xét nghiệm của Bộ Y tế, Viwasupco vẫn chưa thừa nhận. "Trực tiếp tôi và đồng chí Thế Hùng (Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng) phải gọi cho lãnh đạo cao nhất và các cổ đông chính của công ty thì lúc đó họ mới thừa nhận việc phát hiện nước nhiễm dầu” - ông Chung nói.

Chủ tịch Hà Nội cũng cho biết sau vụ việc trên, UBND TP sẽ tổ chức một cuộc họp để rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, sẽ có các phương án phản ứng kịp thời hơn đối với các sự cố về nước cũng như an toàn thực phẩm khác.

Tại buổi chất vấn, ông Chung thay mặt lãnh đạo TP xin được rút kinh nghiệm sâu sắc trong giải quyết sự cố.

Riêng đối với nguồn nước sông Đà, ông Chung cho biết TP đồng tình với quan điểm của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. Nhà máy nước sông Đà phải tách riêng hệ thống lấy nước và sử dụng chung nước với hồ Đầm Bài.

“Chúng tôi đã yêu cầu công ty này lắp hệ thống quan trắc tự động. Lãnh đạo công ty cũng hứa ba tháng nữa sẽ hoàn thành. Họ sẽ phải tách riêng hệ thống bể lắng nước đầu vào với hồ Đầm Bài” - chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.

Theo ông Chung trên thực tế, thời điểm vỡ đường ống nước sông Đà, phía Viwasupco chỉ cung ứng được khoảng 140-150 nghìn m3 nước/ngày đêm. Đến năm 2016, Hà Nội yêu cầu Viwasupco làm bể tăng áp 30 nghìn m3 ở khu vực đường vành đai 3 và thay 8 km đường ống. Sau đó, đơn vị này mới cung ứng được 210 nghìn m3/ngày đêm. Chưa bao giờ đơn vị này cung ứng được 300 nghìn m3/ngày đêm như thiết kế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm