Chống lợi ích nhóm, tham nhũng trong quy hoạch điện mặt trời

Ngày 22-11, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng cho rằng thời gian qua, việc đầu tư phát triển các dự án ĐMT đã thu hút mạnh mẽ nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Báo cáo của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy việc đầu tư các dự án ĐMT đi vào thực chất; quy mô các nhà máy hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thương mại là rất lớn (khoảng 4.500 MW).

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá quá trình thực hiện ĐMT vẫn có những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, quy mô công suất ĐMT bổ sung quy hoạch rất lớn so với quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong khi đó, nội dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện hệ thống điện quốc gia chưa được Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ, kịp thời. Việc triển khai lập quy hoạch phát triển ĐMT quốc gia chậm, thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng được yêu cầu điều hành chung về phát triển ĐMT; công tác quản lý quy hoạch phát triển ĐMT của Bộ Công Thương còn thiếu tính khoa học và thực tiễn, công tác dự báo còn nhiều yếu kém.

Các dự án ĐMT đang được phát triển ồ ạt. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Người đừng đầu Chính phủ cũng cho rằng Bộ Công Thương chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào vào ĐMT, nhất là việc đầu tư quá mức vào một số khu vực, gây khó khăn cho truyền tải điện.

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rút kinh nghiệm sâu sắc về những tồn tại trên để tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý phát triển ĐMT cũng như các dạng năng lượng tái tạo khác.

Thủ tướng cũng lưu ý bộ ngành cần tính toán cơ cấu các loại nguồn điện một cách khoa học và bài bản, chuyển hẳn sang cơ chế đấu thầu, kiên quyết loại bỏ cơ chế xin-cho, tập trung xử lý các dự án đã và sắp hoàn thành nhưng không kịp đưa vào vận hành trước ngày 1-7-2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phát triển ĐMT phải tuân thủ quy hoạch, cân bằng hệ thống điện, tránh phát triển ồ ạt gây tác động lớn đến giá thành sản xuất điện của hệ thống, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước - nhà đầu tư và người dân. Đặc biệt, Thủ tướng đưa ra yêu cầu tuyệt đối chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong quản lý, phát triển ĐMT. Các dự án ĐMT không được dùng công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp và có rủi ro môi trường.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN, EVN và các bộ, ngành nghiên cứu xử lý triệt để các vướng mắc về giải tỏa công suất dự án ĐMT đang hoạt động, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng lưới điện để truyền tải hết công suất các nhà máy ĐMT đang vận hành thương mại, không để xảy ra tình trạng giảm phát các nhà máy điện.

Giá điện mặt trời sẽ được thực hiện theo hình thức đấu thầu cạnh tranh. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Theo báo cáo của EVN, tính đến cuối tháng 6-2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đạt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ông Lê Cao Quyền, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 4 (PECC4), cho biết theo quy hoạch điện VII bổ sung điều chỉnh, đến năm 2020 các dự án năng lượng tái tạo sẽ đạt công suất 2.060 MW. Từ năm 2021-2025 là 6.000 MW và đến năm 2030 là 15.000 MW. Việc bổ sung này đã vượt rất nhiều quy hoạch trước đây.

Tính đến tháng 11-2019, Ninh Thuận có 33 nhà máy điện gió và mặt trời, riêng đoạn từ Tháp Chàm - Ninh Phước - Phan Rí có đến 21 nhà máy, gây nên quá tải lưới 300%. Hiện công suất các dự án này ở Ninh Thuận là hơn 1.100 MW, chiếm một nửa công suất cả nước. Như vậy, chỉ tính riêng Ninh Thuận, các dự án điện mặt trời, điện gió đã vượt quy hoạch.

Đấu thầu cạnh tranh giá điện mặt trời

Về giá ĐMT, Thủ tướng nhấn mạnh việc ban hành giá ĐMT áp dụng từ 1-7-2019 cần tuân thủ nguyên tắc ưu tiên khuyến khích phát triển hợp lý ĐMT áp mái. 

Bộ Công Thương, Tài chính, EVN xây dựng biểu giá ĐMT cần bảo đảm nguyên tắc thống nhất biểu giá khuyến khích cố định (FIT) áp dụng chung cho ĐMT áp mái trong cả nước và trong khoảng thời gian nhất định; xem xét ban hành biểu giá FIT áp dụng đối với các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện và đang thi công xây dựng đưa vào vận hành năm 2020.

Các dự án còn lại và các dự án mới sẽ không tiếp tục áp dụng biểu giá FIT mà chuyển hẳn sang thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, cạnh tranh để giảm giá mua bán điện từ các dự án ĐMT.

Riêng với Ninh Thuận, giá ĐMT áp dụng cho các dự án theo đúng nghị quyết của Chính phủ ngày 31-8-2018 về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn 2018-2023, áp dụng cho đến khi tỉnh này đạt đủ quy mô công suất 2.000 MW hoặc đến hết năm 2020, tùy theo tiêu chí nào đến trước. 

Các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng về chính sách giá ĐMT trước ngày 15-12-2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm