Cho phép dạy online lý thuyết lái xe trong mùa dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ ngày 8-5, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản tạm ngưng các hoạt động về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) đường bộ trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch cũng như đáp ứng nhu cầu xã hội trong việc học lái ô tô, Sở GTVT đã có văn bản cho phép các cơ sở đào tạo lái xe được dạy trực tuyến các môn học lý thuyết. Việc cho phép đào tạo trực tuyến này căn cứ trên văn bản hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Đủ điều kiện sẽ được mở lớp online

Theo văn bản hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cơ sở đào tạo lái xe được phép tổ chức đào tạo trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện về quản lý đào tạo, tổ chức lớp học và điều kiện về kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả của học viên.

Cụ thể, về quản lý đào tạo: Thủ trưởng cơ sở đào tạo lái xe phải xây dựng quy chế đào tạo trực tuyến và báo cáo với Sở GTVT. Trong đó xác định rõ các nội dung như tổ chức lớp học, tổ chức dạy học… và chịu trách nhiệm về việc người học phải học đủ nội dung, chương trình đào tạo theo Thông tư 12/2017 và Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT.

“Sở GTVT sẽ là đơn vị kiểm tra, đánh giá cơ sở nào đáp ứng yêu cầu thì cho phép triển khai áp dụng đào tạo trực tuyến” - Tổng cục Đường bộ yêu cầu.

Cụ thể,  Sở GTVT sẽ là đơn vị kiểm tra, đánh giá công tác tổ chức lớp học, tổ chức dạy học, phần mềm ứng dụng, bài giảng trực tuyến, công tác kiểm tra, đánh giá học viên, giám sát học trực tuyến được nêu trong quy chế đào tạo trực tuyến của cơ sở đào tạo lái xe.

Cũng theo Tổng cục Đường bộ, lớp học trực tuyến được tổ chức tại lớp học của cơ sở đào tạo lái xe, theo đó giáo viên thông qua phần mềm dạy học trực tuyến để giao tiếp với các học viên. Đồng thời, giáo viên dạy học sẽ quản lý lớp học theo quy chế đào tạo. Từ đó, đảm bảo sự tham gia học tập đầy đủ của học viên, thực hiện lưu trữ hồ sơ, tài liệu để làm minh chứng và ghi chép hồ sơ, sổ sách trong đào tạo quy định.

“Việc kiểm tra, đánh giá trong đào tạo trực tuyến phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, minh bạch, đánh giá được đúng năng lực học viên và tránh được các hiện tượng gian lận” - văn bản của tổng cục nêu rõ.

Theo Tổng cục Đường bộ, kết quả đánh giá kết thúc môn học bằng trực tuyến của học viên cũng được công nhận tương đương đào tạo trực tiếp.

Trong thời điểm bùng dịch COVID-19, nhiều cơ sở đào tạo lái xe và học viên ủng hộ việc đào tạo lý thuyết lái xe bằng hình thức trực tuyến.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Đào tạo trực tuyến góp phần hỗ trợ việc làm

Việc đào tạo trực tuyến môn học lý thuyết lái xe trong thời gian dịch COVID-19 sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu học lái xe của người dân nên được các cơ sở đào tạo quan tâm.

Khảo sát của PV tại một số cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn TP.HCM, hầu hết các trường đều rất ủng hộ biện pháp này. Nhiều ý kiến cho rằng học lái xe trực tuyến vừa có thể giải quyết vấn đề ùn ứ học viên trong thời gian qua, vừa giải quyết được khó khăn về việc làm cho giáo viên tại các cơ sở.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia, cho biết: “Việc chuẩn bị các công đoạn dạy trực tuyến không quá khó khăn đối với các cơ sở đào tạo và mức giá không quá cao, phù hợp với tình hình hiện nay”.

Ông Long cũng cho rằng việc đào tạo trực tuyến sẽ phần nào giải quyết vấn đề việc làm cho giáo viên trong điều kiện các trung tâm dạy lái xe tê liệt hoàn toàn như hiện nay. Có thể thời gian đầu sẽ gặp một số khó khăn đối với giáo viên khi dạy xuyên suốt, không có sự trao đổi trực tiếp giữa các học viên. Tuy nhiên, các cơ sở, trung tâm cũng sẽ lên kế hoạch và bài giảng cụ thể theo quy định để đáp ứng trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay.

Theo tìm hiểu, không những các cơ sở đào tạo mà nhiều học viên cũng rất ủng hộ việc học trực tuyến môn học lý thuyết lái ô tô. Họ cho rằng việc học trực tuyến sẽ tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra còn giúp học viên tiết kiệm thời gian đi lại và có thể trao đổi vấn đề học tập với giáo viên một cách bình thường.

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, nhiều nước trên thế giới đã cho phép học viên tự học và đi thi lý thuyết, không cần đăng ký tại cơ sở đào tạo lái xe. Đồng thời, học viên có thể tự lựa chọn hình thức học của mình. Nếu học viên thi qua lý thuyết thì mới bắt đầu thi thực hành.

“Cũng theo đó, người lái xe tự chịu trách nhiệm về kiến thức học như biển báo hay các quy định giao thông đường bộ. Ngoài ra, luật pháp các nước này cũng răn đe người lái xe bằng quy định xử phạt vi phạm giao thông rất nặng” - chuyên gia Nguyễn Minh Đồng chia sẻ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM, cho biết: “Hiện các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn TP đang chuẩn bị các điều kiện theo quy định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Sau đó, sở sẽ kiểm tra cơ sở nào đủ điều kiện sẽ cho hoạt động việc dạy trực tuyến môn học lý thuyết lái ô tô”.

Học trực tuyến cũng phải điểm danh

Theo văn bản hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, người học lái xe trực tuyến cũng phải học đủ nội dung và chương trình đào tạo quy định tại Thông tư 38/2019 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2017) của Bộ GTVT.

Cụ thể, Tổng cục Đường bộ yêu cầu việc điểm danh học viên bằng hình ảnh tham gia lớp học trực tuyến, được chụp màn hình và ghi chép trong sổ sách. Theo đó, việc kiểm tra hết môn học được thực hiện bằng hình thức trắc nghiệm hoặc bài viết thu hoạch do học viên viết tay (không được đánh máy), có chữ ký xác nhận của học viên, được chụp gửi bằng các ứng dụng cho giáo viên chấm điểm và gửi bản gốc để lưu kèm.

Như vậy, tổng số giờ một khóa đào tạo mà học viên phải đáp ứng như sau: Đối với hạng B2 là 588 giờ (lý thuyết 168 giờ, thực hành lái xe 420 giờ). Đối với hạng C là 920 giờ (lý thuyết 168 giờ, thực hành lái xe 752 giờ). Số giờ học lý thuyết sẽ được ứng dụng cập nhật và lưu dữ liệu cho mỗi lần học của học viên. Khi học viên đảm bảo đủ số giờ học lý thuyết mới đủ điều kiện thi sát hạch cấp GPLX.    

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm