Chở hàng từ TP.HCM đi các tỉnh không còn gặp khó vì dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải không khỏi lúng túng khi vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đến các tỉnh khác, bởi mỗi địa phương đều có những quy định phòng chống dịch khác nhau.

Đến thời điểm hiện tại, một số địa phương đã tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa nhưng nhiều DN không nắm thông tin mới và tự “gây khó” cho chính mình.

Nhiều địa phương đã tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải. Ảnh: HOÀNG GIANG

Doanh nghiệp than khó

Nhiều chủ DN vận tải cho biết đang gặp khó khăn khi vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Long An... Cụ thể, các tỉnh này có yêu cầu khắt khe trong công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với tài xế đến từ TP.HCM.

Anh Hữu Tài (chủ DN vận chuyển thực phẩm đông lạnh từ TP.HCM đi các tỉnh) chia sẻ: “Tôi thường chở hàng hóa từ TP.HCM đến Long An nhưng khi vào tỉnh này yêu cầu phải có giấy xét nghiệm COVID-19 còn hiệu lực”.

Theo anh Tài, công ty có 10 đầu xe chạy tuyến Tân Phú (TP.HCM) đi khu công nghiệp (KCN) Tân Kim (Long An). Tuy nhiên, nhiều công ty ở KCN này yêu cầu các tài xế phải có giấy xét nghiệm COVID-19 còn thời hạn (trong vòng 72 giờ). Mỗi chuyến xe tài xế chỉ được 750.000 đồng nhưng giá của một lần xét nghiệm khoảng 735.000 đồng (một số nơi xét nghiệm với giá 400.000-800.000 đồng - PV). Anh Tài cũng cho biết mấy ngày nay DN đã ngưng vận tải và anh cũng không cập nhật quy định mới của tỉnh Long An.

Theo khảo sát của PV, một số địa phương đã mở rộng điều kiện lưu thông cho DN vận tải hàng hóa thay vì bắt buộc tài xế có giấy xác nhận âm tính với COVID-19. Nhiều DN vận tải chưa cập nhật thông tin mới nên tự “làm khó” chính mình.

Theo tìm hiểu của PV, UBND tỉnh Long An đã ra văn bản mở rộng điều kiện lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhằm tạo thuận lợi cho các DN vận tải.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở GTVT tỉnh Long An cho biết hiện nay đối với người vận tải hàng hóa, ngoài hướng dẫn của Sở GTVT cũng cần lưu ý hướng dẫn của UBND tỉnh gồm: Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 hoặc có giấy xác nhận đã xét nghiệm SARS-CoV-2 còn hạn sử dụng; hoặc có giấy cam kết của chủ DN về việc bảo lãnh an toàn đối với nhân viên làm nhiệm vụ (hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và chính quyền địa phương nếu nhân viên dương tính với COVID-19, làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh).

“Chỉ cần đáp ứng một trong hai điều kiện chứ không phải bắt buộc cả hai. Quy định này cũng đã mở rộng hơn cho DN vận tải so với những ngày trước” - đại diện Sở GTVT nhấn mạnh.

Vừa phòng dịch, vừa tạo điều kiện lưu thông hàng hóa

Ngoài Long An, các địa phương khác ở lân cận TP.HCM cũng đã triển khai hướng dẫn hoạt động vận tải hàng hóa từ vùng có dịch, nhằm tạo thuận lợi cho các DN vận tải.

Cụ thể, Sở GTVT tỉnh Bình Phước cũng đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành liên quan về việc triển khai hướng dẫn hoạt động vận tải hàng hóa vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa đảm bảo hỗ trợ lưu thông hàng hóa. Theo đó, đối với phương tiện tham gia vận chuyển phải được phun khử khuẩn, đảm bảo an toàn trước, trong và sau khi hoạt động vận chuyển theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tài xế, người bốc xếp, dỡ hàng hóa theo xe phải có điện thoại thông minh được cài đặt các phần mềm NCOVI, Bluezone, tokhaiyte.vn.

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết: “Việc vận chuyển hàng hóa vào tỉnh, qua tỉnh vẫn diễn ra bình thường. Tỉnh luôn tạo điều kiện cho các DN và người dân vận chuyển hàng hóa một cách thuận lợi. Tuy nhiên, các đơn vị vận tải và tài xế vận chuyển hàng hóa phải đảm bảo thực hiện công tác phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế”.

Bà Hiền cũng cho biết thêm tùy vào thời điểm và tình hình diễn biến của dịch bệnh, tỉnh sẽ có hướng điều chỉnh kiểm soát dịch bệnh cho phù hợp.

Còn tại Bình Dương, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho hay quan điểm của tỉnh là kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng nhưng cũng luôn chú trọng phát triển kinh tế.

“Chúng tôi triển khai nhiều biện pháp cấp bách để phòng chống dịch nhưng cũng duy trì phát triển kinh tế tạo điều kiện cho các DN phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa” - ông Hà nói.

Về phía tỉnh Đồng Nai, ông Dương Mạnh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh, cũng cho biết: Khi vận chuyển hàng hóa đến hoặc qua địa bàn tỉnh, lái xe, người bốc xếp, dỡ hàng hóa theo xe phải khai báo y tế điện tử và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Trong quá trình vận chuyển phải thực hiện ghi chép lại hành trình vận chuyển, các điểm dừng, hạn chế tiếp xúc với người khác, đảm bảo thông thoáng phương tiện…

Tương tự, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đưa ra một số yêu cầu đối với vận chuyển hàng hóa từ vùng có dịch. Cụ thể, trước khi vận chuyển hàng hóa từ vùng dịch đến vùng khác, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo thông tin về đơn vị kinh doanh vận tải (phương án vận chuyển, danh sách phương tiện, tài xế…) đến email, Zalo hoặc đường dây nóng của Sở GTVT vùng dịch và Sở GTVT nơi đến để được hỗ trợ.•

 

Yêu cầu không được gây ách tắc hoạt động vận tải

Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc, Sở GTVT trên cả nước thực hiện “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch theo chỉ đạo của thường trực Ban bí thư và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng…

Theo đó, Tổng cục Đường bộ và các cục chuyên ngành được Bộ GTVT giao chủ trì rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đi, đến nơi có dịch đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh và đảm bảo phòng chống dịch.

Song song đó, các đơn vị liên quan cần chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc hoạt động vận tải và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm