Chen lấn băng qua đường còn cầu bộ hành bỏ không

Tại các bệnh viện lớn đông người và phương tiện giao thông như Từ Dũ (quận 1), Nguyễn Tri Phương (quận 5), Ung Bướu (quận Bình Thạnh), Bình Dân (quận 3)…, những cầu bộ hành được xây dựng với mục đích đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Nhưng theo ghi nhận, số người sự dụng cầu bộ hành rất ít, đa số vẫn tìm cách băng qua đường giữa dòng xe cộ. Dù có thể nhanh hơn vài giây nhưng nguy cơ tai nạn là rất lớn.

Người dân cố vượt qua đường trước cổng BV Nguyễn Tri Phương, quận 5, bên cạnh là cầu bộ hành.

Tại đường Cống Quỳnh, quận 1, một cầu bộ hành khá đẹp được bắc qua trước cửa BV Từ Dũ. Tuy nhiên, hằng ngày vẫn có hàng trăm người băng qua làn đường đông đúc phương tiện phía dưới, bất chấp nguy hiểm; đồng thời làm cho giao thông tại khu vực này luôn trong tình trạng lộn xộn do nhiều người qua lại, phương tiện phải tránh né người qua đường; nhất là vào giờ cao điểm khu vực này luôn ùn ứ.

Cầu vượt ngay phía trên nhưng chẳng mấy ai thèm đi.

Điều đáng nói, không chỉ có các bạn trẻ mà ngay cả người già, nhân viên bệnh viện, thậm chí các gia đình có con nhỏ cũng tranh thủ băng qua đường để di chuyển nhanh hơn.

Tương tự, cầu vượt trên đường Nơ Trang Long trước cổng BV Ung Bướu, quận Bình Thạnh, cũng chẳng có mấy người đi. Phía trên cầu thi thoảng vài người nhưng bên dưới hàng trăm người cứ thay nhau băng qua đường, mặc cho phương tiện tránh né, bóp còi inh ỏi. Biển báo đặt ngay chân cầu yêu cầu sử dụng cầu bộ hành nhưng dường như chẳng ai để ý.

Nói về lý do không đi cầu bộ hành, anh Dũng cho biết: “Cầu vượt tuy an toàn nhưng tôi thấy nhiều bất tiện lắm. Thứ nhất cầu có độ cao lớn, những người khỏe thì không sao nhưng với những người chân đau như tôi, người già, trẻ em việc leo lên cầu cũng khá khó khăn. Ngoài ra người tàn tật đi lên kiểu gì, không lẽ vác cả người lẫn xe lăn để lên, như thế làm sao mà được!”.

Tuy nhiên, cũng có người nói để di chuyển cho nhanh. “Có lẽ việc qua đường do thói quen. Đi khám bệnh về băng qua đường vừa tiện vừa nhanh đỡ tốn thời gian”- chị Nguyễn Thị Thu, nhà ở quận 9 nói.

Những cầu vượt bộ hành khác như cầu Văn Thánh (quận Bình Thạnh), nơi tập trung trường đại học, trung tâm thương mại nhưng cũng rất ít người qua lại. Cách cầu vượt vài trăm mét là Trường ĐH Hutech, hàng ngày có hàng trăm sinh viên vẫn qua đường bất chấp nguy hiểm, nguyên nhân do việc cầu này bố trí khá xa trường đại học. Để đi qua cầu, nhiều người phải đi bộ cả trăm mét, băng qua giao lộ đường D2 mới tới cầu vượt.

Phương tiện qua lại đông đúc, nhiều người vẫn cố bon chen để sang đường.

Tuy nhiên, nhiều người ở ngay sát cầu vượt cũng chẳng thèm đi lên cầu, cứ len lỏi đi qua giao lộ bất chấp tín hiệu đèn xanh.

Bên cạnh còn khá nhiều người dân thiếu ý thức trong tham gia giao thông thì một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng nhiều cầu vượt bộ hành chưa phát huy được tác dụng là do chưa có quy hoạch tổng thể hệ thống cầu vượt trong mạng lưới giao thông đô thị. Đây là vấn đề tồn đọng đã được chỉ ra từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

Theo khoản 3 Điều 260 Luật Hình sự 2015, nếu người đi bộ băng qua đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể đối diện việc bị phạt tù với khung cao nhất là 15 năm tù giam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm