Cấp bách tháo gỡ khó khăn dự án ngăn triều 10.000 tỉ

Trước nguy cơ tạm dừng dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng, Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa có văn bản nêu các giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, theo chủ đầu tư (CĐT) là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 thì chủ trương là vậy nhưng việc thực thi vẫn chưa tiến triển.

Theo chủ đầu tư, đến tháng 12, tổng giá trị xây lắp của dự án đạt 96%.
(Ảnh do chủ đầu tư dự án cung cấp)

Cần tháo gỡ khó khăn nhanh hơn

Văn bản mới nhất của Thường vụ Thành ủy TP.HCM do Phó Bí thư thường trực Trần Lưu Quang ký nêu rõ các vấn đề cần giải quyết cho dự án.

Thứ nhất, Thường vụ Thành ủy thống nhất nguyên tắc triển khai dự án theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại thông báo ngày 21-8-2020 của Văn phòng Chính phủ về gia hạn giải ngân cho dự án.

Thứ hai, Thường vụ Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND TP làm việc với Ngân hàng Nhà nước thống nhất các thủ tục, tiếp tục gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho dự án theo đúng quy định của pháp luật, đúng chỉ đạo của Thủ tướng, đúng kế hoạch triển khai và tiến độ hoàn thành dự án.

Thứ ba, Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo Sở KH&ĐT TP, Sở Tư pháp và các sở, ngành có liên quan tiếp tục rà soát các vấn đề pháp lý, quy định liên quan dự án. Ngoài ra, các ban, ngành tham mưu cho Ban cán sự đảng UBND TP để Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư và Thủ tướng về những vấn đề khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền giải quyết của TP đối với việc triển khai dự án và đề xuất các giải pháp triển khai trong thời gian tới.

Thứ tư, Thường vụ Thành ủy giao Đảng đoàn HĐND TP phối hợp với Ban cán sự đảng UBND TP thảo luận, thống nhất phương pháp về bố trí kế hoạch vốn để thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT. Bên cạnh đó, các phụ lục hợp đồng đã cam kết cũng cần được thanh toán để hoàn trả vốn vay cho Ngân hàng Nhà nước, báo cáo kịp thời cho Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.

“Quá trình triển khai thực hiện các bước tiếp theo phải đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, quy định của pháp luật. Ban cán sự đảng UBND TP thường xuyên báo cáo tiến độ, khó khăn, vướng mắc và kết quả triển khai thực hiện cho Ban Thường vụ Thành ủy” - văn bản nêu rõ.

Dự án chậm, người dân chịu ảnh hưởng

Theo CĐT, chủ trương của Thường vụ Thành ủy là vậy nhưng việc thực thi của các cơ quan chức năng khác vẫn chưa có gì tiến triển nhiều. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc tháo gỡ khó khăn nhanh hơn để dự án về đích.

“Nếu các khúc mắc không được giải quyết, dự án sẽ phải tạm dừng và hệ lụy của việc này là rất lớn. Quan trọng nhất vẫn là người dân không có được dự án ngăn triều hiệu quả trong khi dự án đã hoàn thành hơn 90% tiến độ” - ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, cho biết.

Đơn cử mới nhất như đợt triều cường ngày 16-12 vừa qua khiến người dân sống dọc tuyến đường An Tài (khu phố 5, phường 7, quận 8) khổ sở với dòng nước đen ngòm khi hệ thống máy bơm ngưng hoạt động. Trước đây, nhà thầu thi công có trang bị hệ thống máy bơm gom nước từ khu dân cư trên tuyến đường An Tài ra công trình rồi dùng bơm lớn hút ra kênh. Tuy nhiên, gần một tháng nay, đơn vị thi công không bơm nước nữa nên mỗi khi triều cường, trời mưa là nước triều dâng tràn lên đường rồi vào nhà dân.

Đại diện đơn vị thi công dự án cống Phú Định (thuộc dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng) cho biết do UBND TP chưa cấp vốn cho CĐT để tiếp tục thi công nên CĐT không đủ kinh phí cấp cho đơn vị thi công để duy trì bơm nước chống ngập cho nhà dân.

Không chỉ riêng cống Phú Định, nhiều công trình trên các cống lớn khác của dự án ngăn triều này như “đứng ngồi không yên” vì phải gồng gánh khó khăn trong khi chờ kế hoạch giải ngân của cơ quan chức năng để dự án nhanh chóng về đích.

Về tiến độ dự án, theo CĐT, đến tháng 12, tổng giá trị xây lắp của dự án đạt 96%.

Không thể giải ngân 1.800 tỉ đồng còn lại cho dự án

Theo CĐT, khúc mắc lớn nhất của dự án hiện nay là phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian hoàn thành dự án (hết hạn từ ngày 26-6-2020) chưa được ký kết khiến mọi công việc tắc theo. Khi phụ lục hợp đồng không được ký thì ngân hàng không thể giải ngân số tiền 1.800 tỉ đồng còn lại, dẫn đến dự án bị đình trệ.

Với việc rà soát pháp lý, CĐT cho biết có liên quan đến việc thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT. Trong đó, nút thắt là việc TP.HCM đang rà soát việc TP có thể thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư với các hình thức: 16% giá trị hợp đồng bằng quỹ đất, 84% bằng tiền, hay bằng hình thức thanh toán 100% bằng quỹ đất hoặc 100% bằng tiền.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm