Cao tốc Bến Lức - Long Thành không định được ngày hoàn thành

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành có gói thầu đã đạt đến 90% tiến độ nhưng vẫn còn rất nhiều vướng mắc liên quan. Vốn dành cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và công tác thi công đều đang tắc nghẽn, cộng thêm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến dự án này chưa thể hẹn ngày hoàn thành.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành liên tục gặp khó khăn. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Không biết khi nào xong

“Kể cả vốn GPMB và vốn thi công cũng chưa được giải quyết. Chúng tôi thật sự không xác định được lúc nào xong. Thời gian này bệnh dịch hoành hành thì càng khó khăn, phức tạp hơn” - đại diện Ban quản lý dự án (BQLDA) cao tốc thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM.

Theo đó, BQLDA cao tốc thuộc VEC (chủ đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành) cho biết trước đây dự kiến công trình hoàn thành năm 2023 nhưng hiện nay không thể xác định chắc chắn được. Hiện nguồn vốn phục vụ GPMB và công tác khác tại tỉnh Long An và TP.HCM còn thiếu khoảng 100 tỉ đồng. Số tiền này vẫn chưa được bố trí cho dự án.

Đến nay, việc GPMB đoạn qua tỉnh Đồng Nai đã đạt gần 99%. Để giải quyết khó khăn về vốn, cuối năm 2020, dự án đã được UBND tỉnh Đồng Nai cho tạm ứng gần 12 tỉ đồng từ ngân sách để thực hiện GPMB. Đầu năm 2021, dự án tiếp tục đề nghị tỉnh cho tạm ứng khoảng 10 tỉ đồng để bồi thường, hỗ trợ người dân vùng dự án nhưng cũng chưa được chấp thuận.

Vốn từ ngân sách nhà nước cho dự án cũng bị dừng từ năm 2019 vì Nghị quyết số 71/2018 nêu “chưa phân bố nguồn vốn nước ngoài cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam”. Ngoài ra, vốn JICA (viện trợ ODA của Nhật Bản) cũng dừng trong năm 2019 và vốn từ ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) cho đoạn phía tây hết hạn hiệp định từ cuối tháng 6-2019. Phải đến cuối năm 2020, chủ đầu tư mới xử lý được nguồn vốn từ ADB cho đoạn phía đông.

Mất một năm cho vấn đề cơ quan chủ quản

“Từ cuối năm 2018, VEC được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Điều này khiến nguồn vốn cho dự án bị ách tắc vì vốn chỉ được cấp cho Bộ GTVT chứ không phải Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp” - đại diện BQLDA cao tốc này giải thích.

Đến cuối năm 2019, vấn đề này mới được giải quyết xong khi Bộ GTVT tiếp quản dự án lại để làm cho xong. Việc này khiến dự án bị trì trệ, sau khi gỡ vướng thì các công tác triển khai dự án mới được khơi thông trở lại.

Về tiến độ, hiện các gói thầu trên địa bàn tỉnh Long An và TP.HCM cơ bản đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc. Tuy nhiên, việc thi công đang bị đình trệ. Với hai gói thầu A5 và A7 đoạn qua tỉnh Đồng Nai, các đơn vị đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở TP.HCM, công tác phòng chống dịch trên công trường đoạn qua tỉnh Đồng Nai được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện giãn cách khi thi công. Chưa kể thời điểm này việc di chuyển giữa TP.HCM và Đồng Nai đã khó khăn hơn do yêu cầu phải xét nghiệm COVID-19. Dịch bệnh phức tạp cũng dẫn đến thiếu nguồn cung vật liệu cho các gói thầu.

Báo cáo mới nhất về việc triển khai nhiệm vụ quý III và sáu tháng cuối năm 2021 của VEC cho biết: Trước những vướng mắc nghiêm trọng liên quan đến nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, VEC đã có báo cáo cụ thể và kiến nghị biện pháp xử lý nhằm hạn chế những hệ lụy nảy sinh.

“Năm 2021, các dự án của VEC tiếp tục chưa được giao kế hoạch vốn đầu tư công (vốn đối ứng, vốn nước ngoài), dẫn đến tiến độ không đáp ứng yêu cầu. Hiện VEC đang làm việc với Bộ GTVT để sớm có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng tiếp tục giao vốn để hoàn thành công tác GPMB” - báo cáo của VEC nêu.•

 VEC tiếp tục báo cáo và làm việc với các cấp có thẩm quyền để giải quyết vướng mắc về vốn cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây là cơ sở để thanh toán ngay các công việc đã hoàn thành của nhà thầu. Bên cạnh đó, chuẩn bị thủ tục khởi động lại dự án ngay khi đủ điều kiện về nguồn vốn và gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công vào tháng 7-2014, có chiều dài hơn 57 km đi qua địa phận TP.HCM, hai tỉnh Long An và Đồng Nai. Tổng vốn đầu tư hơn 31.000 tỉ đồng (khoảng 1,6 tỉ USD). Trong tổng số vốn đầu tư thì vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 635,7 triệu USD; vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 634,8 triệu USD; vốn đối ứng là 336,9 triệu USD.

Đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam. Sau khi đưa vào khai thác sẽ kết nối các tuyến cao tốc phía tây với các tỉnh Đông Nam bộ và sân bay Long Thành.

Theo kế hoạch, năm 2018, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ đưa vào khai thác nhưng đến nay vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm