Cãi kịch liệt đề xuất cấm xe máy chạy trên đường

PGS-TS Phạm Xuân Mai nhấn mạnh như trên tại hội thảo "Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM - Thực trạng và giải pháp" diễn ra sáng 20-4.

Quanh ý kiến này, bạn đọc Pháp Luật TP.HCM đã “cãi” lại rất kịch liệt.

Đề xuất… rất liều

“Thật nực cười, ông đề nghị cấm chỉ nghĩ cho mình, làm ơn hãy nghĩ cho dân, hãy đứng từ vị trí của người dân mà nghĩ đi, cám ơn” - bạn đọc Nguyễn Anh Tuấn mở màn.

PGS-TS Phạm Xuân Mai.

Bạn đọc Lan Le đồng tình: “Đúng là thật nực cười, ông đi bằng xe hơi còn người dân làm gì có xe hơi nên phải đi xe máy. Cấm xe máy đi trên đường thế thì xe máy đi ở đâu? Hay ông trang bị cho xe máy dù bay trên không đi, chúng tôi rất hoan nghênh. Trong khi một ô tô con thôi chiếm diện tích bằng 4-5 xe máy khi lưu thông trên đường”.

“Ông nói khó nghe thật. Cấm xe máy thì dân đi bằng gì? Ô tô ư? Giá ô tô có rẻ bằng xe máy không? Thu nhập của người dân có đủ để mua ô tô không? Nếu có thì có đủ đường để chạy không và quan trọng là phương tiện giao thông công cộng có đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân không? Giải quyết vấn đề này được không? Đừng đưa ra những lệnh cấm vô lý, bất khả thi. Nhìn các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc với các TP như Bangkok, Bắc Kinh có rất nhiều đường giao thông trên cao, thậm chí 5-7 tầng vẫn bị kẹt xe dù người dân tham gia giao thông có ý thức hơn xa dân Việt Nam. Theo tôi, diện tích mặt đường giao thông đường bộ không đáp ứng được với số lượng xe mà người dân đang sở hữu và sử dụng, không có cách nào khác là tăng diện tích đường giao thông, còn mọi giải pháp hiện thời chỉ là chữa cháy, không muốn nói là chẳng giải quyết được gì” - bạn đọc Nguyen van ty cho hay.

Bạn đọc Tạ Đức Thiêu nêu quan điểm: “Theo tôi, nói thì dễ đấy nhưng làm chắc khó. Vì sao. Vì muốn cấm hoàn toàn xe máy thì phải có các phương tiện giao thông khác để thay thế, mà điều này mình chưa đáp ứng được. Do vậy hãy chuẩn bị tốt hệ thống Metro hay đường sắt trên cao và hệ thống xe buýt đan xen nhau tới mọi ngõ phố thì lúc đó mới cấm xe máy được. Chứ cứ nói cấm mà không có phương tiện thay thế thì các vị nói liều, rất rất liều”…

Nhưng tôi ủng hộ

Ngược lại, có bạn đọc lại đồng tình với quan điểm của PGS-TS Phạm Xuân Mai.

Bạn đọc Lê An Phương nêu ý kiến: “Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này, đây là một trong những giải pháp cốt lõi nếu TP muốn xây dựng thành công mục tiêu xây dựng TP đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình...”.

Trong khi đó, bạn đọc BangThuy nói: “Nên cấm xe máy lưu thông trên một số tuyến đường của Hà Nội, TP.HCM, không cấm mua xe máy thì vẫn phù hợp với Hiến pháp về quyền tài sản (chỉ cấm đường mà thôi)”.

Muốn cấm thì phải làm được ba chuyện này

Các ông lãnh đạo muốn cấm xe máy, dân cũng muốn cấm hơn các ông. Nhưng liệu khi nào? Và bao giờ, các ông bảo đảm phương tiện giao thông cho nhân dân đi lại? Hay chỉ nói rồi lại đâu vào đấy. Muốn phát biểu các vấn đề quan trọng, trước hết phải có cơ sở. Đừng làm cán bộ, mà muốn nói gì thì nói. Như thế không đạt được gì cả. Khi ta tuyên bố cấm xe máy là khi đô thị của ta có rất nhiều loại hình giao thông công cộng và quan trọng hơn là khả năng bảo đảm nhu cầu đi lại cho đô thị được bảo đảm.

Hiện nay, tỉ lệ bảo đảm giao thông công cộng của chúng ta đạt rất thấp, chưa nói đến chất lượng. Vậy cấm xe máy, nhân dân đi làm, đi vui chơi… thì đi bằng phương tiện gì. Mặt khác, trong rất nhiều người đang đi xe máy, họ thừa khả năng mua ô tô. Nếu cấm xe máy ngay, họ sẵn sàng mua ô tô. Tình hình đường hiện nay có cho phép tăng thêm vài trăm ngàn ô tô nữa không?

Do đó, TP muốn cấm xe máy, phải đồng thời tiến hành ba nội dung quan trọng và cơ bản sau đây: Thứ nhất là bảo đảm đường giao thông đủ rộng và hợp lý. Thứ hai tăng tỉ lệ vận tải công cộng lên thật cao. Thứ ba, tăng cường tuyên truyền nếp sống văn hóa giao thông, chấp hành pháp luật; kết hợp tăng mức xử phạt những trường hợp cố ý vi phạm. Chưa làm được ba nội dung trên, xin mấy ông đừng đề xuất như trên.

Bạn đọc PHAN VĂN THƠ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm