Các lý do tách Luật Giao thông đường bộ chưa thuyết phục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, Bộ Công an và Bộ GTVT vừa thống nhất báo cáo Chính phủ tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) ra thành Luật Đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB.

Hiện Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Luật Đường bộ. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến đều cho rằng không nên tách luật vì tạo ra những quy định manh mún, chồng chéo và làm khó người dân.

Không ủng hộ tách luật

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, nguyên đại biểu Quốc hội (QH), nói: “Tôi từng nêu ý kiến trước QH về hai dự luật này và đề nghị không tách Luật GTĐB ra làm hai.

Bởi Luật GTĐB là một luật chuyên ngành có bốn chế định chính, với bốn phạm vi điều chỉnh, đó là kết cấu hạ tầng, phương tiện, con người điều khiển giao thông và quy tắc giao thông. Nếu tách bốn yếu tố này sẽ phá vỡ kết cấu hệ thống giao thông”.

Lực lượng CSGT tuần tra, xử phạt người vi phạm giao thông tại TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Hơn nữa, theo ông Bộ, phải hiểu trật tự, an toàn giao thông chỉ là mục đích của việc xây dựng và ban hành Luật GTĐB, chứ không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật GTĐB hay Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB. Do vậy, nếu tách thành hai luật sẽ phát sinh hệ lụy là hệ thống đường bộ chỉ còn là công trình GTĐB và về mặt quản lý nhà nước, công trình GTĐB lại thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng…

“Trước khi nghỉ hưu, tôi cũng báo cáo với tân Chủ tịch QH Vương Đình Huệ về những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật ở nước ta hiện nay.

Trong đó, tôi nói thẳng là vừa qua cơ quan thẩm tra chưa làm hết trách nhiệm, cho nên những ý kiến phản biện của các thành viên không được trình lên Ủy ban Thường vụ QH, không được đưa ra QH. Điển hình, Luật GTĐB tôi phản biện năm trang nhưng đưa vào báo cáo thẩm tra được năm dòng một chữ với nội dung không rõ ràng” - ông Bộ nói tiếp.

Ông Bộ cho rằng các lý do tách luật chưa thuyết phục, bởi khi ông hỏi thì nhiều người trong ngành giao thông cũng không ủng hộ tách luật. “Tóm lại, với một người từng phát biểu góp ý tâm huyết về Luật GTĐB trước nghị trường, tôi cảm thấy rất buồn!” - ông Bộ chia sẻ.

Không nên làm cho người dân thêm rối

Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, các nước không có chuyện tách luật như vậy. Đại đa số các nước quy định về GTVT hay bảo đảm trật tự trong lĩnh vực này là cùng chung một luật, quan hệ khăng khít như “môi với răng”. Ví dụ, khi đã làm đường, làm cầu thì phải cho xe lưu thông, tức là GTVT thì phải để vấn đề an toàn ở trong đó, không ai tách ra thành hai luật khác nhau.

Theo ông Tính, nếu có Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB bên cạnh Luật Đường bộ, không lẽ sắp tới phải xây dựng cả luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hàng không, đường sắt và đường thủy nội địa.

Cạnh đó, những vấn đề dân sự vẫn nên để cơ quan dân sự quản lý, chức năng của ngành công an chính là bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hiện nay, Bộ GTVT đang dần làm tốt công tác đào tạo, cấp bằng lái xe, đồng thời mức độ xã hội hóa lĩnh vực này cũng ngày càng cao.

Ông Dương Tiến Thự, Chủ nhiệm Hợp tác xã Taxi 27/7, nói: “Khi tách thành hai luật sẽ trở nên chồng chéo, gây phiền hà và làm rối thêm cho người dân. Chẳng hạn, hiện nay quy định của Bộ GTVT cấp chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ tập huấn cho tài xế nhưng việc sát hạch bằng lái xe lại thuộc Bộ Công an thì không hợp lý”.

Ông Thự phân tích thêm: Nếu Bộ GTVT chỉ quản lý giao thông, còn Bộ Công an quản lý việc sát hạch, kiểm tra xe, xử phạt thì sẽ không nắm bắt được những bất cập, khó khăn mang tính đồng bộ của hai lĩnh vực này mà người dân gặp phải.

Bộ GTVT nói gì về việc tách Luật Giao thông đường bộ?

Ngày 14-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho biết dự thảo luật lần này là giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu QH theo dự thảo luật mà Chính phủ đã trình QH tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV nên phạm vi dự luật không có nhiều thay đổi.

Về lý do vẫn tách luật, theo vị đại diện, đây là vấn đề lớn nên trong dự thảo, Bộ GTVT cũng nói rõ là tiếp thu ý kiến các đại biểu QH theo hướng: Kế thừa, hoàn thiện những chế định về bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB của Luật GTĐB năm 2008; hoàn thiện các nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB gắn với việc hoàn thiện các nội dung về GTĐB. “Tuy nhiên, Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng trước khi trình QH những vấn đề lớn…” - đại diện Vụ Pháp chế cho hay.

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự án Luật Bảo đảm trật tự,
an toàn giao thông đường bộ

Nguồn tin của PV cho biết ngày 23-8, Bộ Công an đã tổ chức cuộc họp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Pháp luật của QH, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ GTVT thống nhất nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu QH đối với dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các đại biểu dự họp, ngày 10-9, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, đã ký văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB kèm báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu QH khóa XIV về dự luật.

Theo đó, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB không có nhiều thay đổi so với lần trình tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV, vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh. “Cụ thể, luật này quy định về bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, bao gồm: Quy tắc GTĐB; phương tiện tham gia GTĐB; người điều khiển phương tiện GTĐB; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc GTĐB; thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm và trách nhiệm pháp lý; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn GTĐB...” - nguồn tin cho hay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm